Theo Trần Nhật Giáp
Hà Nội có nghĩa là phía trong các con sông, vì tỉnh mới Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông : sông Hồng và sông Đáy. Như vậy tỉnh Hà Nội lúc đó gồm thành phố Hà Nội, nửa chính đông tỉnh Hà Tây ( chính là tỉnh Hà Tây thời Pháp thuộc ) và toàn bộ tỉnh Hà Nam. Như vậy rõ ràng tỉnh Hà Nội có đại bộ phận nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đáy.
Có người cho rằng chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử ( Thiên Lương Huệ Vương ) : "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ tức ư Hà Nội" ( nghĩa là : Hà Nội bị tai hoạ thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội ). Nguyên ở Trung Quốc thời Mạnh Tử ( thế kỷ III tr.CN ) phía bắc sông Hoàng gọi là đất Hà Nội, phía Nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ấy nay ứng với tỉnh Hà Bắc. Lại do sông Hoàng khi tới địa đầu tỉnh Sơn Tây ngày nay thì chạy theo hướng Bắc - Nam, trở thành ranh giới giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía đông sông Hoàng nên thời cổ có tên là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây. Thực sự cũng có việc dùng câu sách Mạnh Tử nói trên, nhưng đó là trường hợp năm 1904 khi muốn đổi tên tỉnh Cầu Đơ cho khỏi nôm na, người ta mới dùng tên Hà Đông ( dựa vào tên Hà Nội đã có từ trước ).
Theo hanoi.citynet.vn
Hà Nội là một địa danh lấy từ bên Trung Quốc. Trong cuốn Hà Nội Nghìn Xưa, hai tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán viết: “Thăng Long là một cái tên độc đáo và sáng tạo vì không lấy chữ có sẵn trong sách và khối địa danh có sẵn ở phương Bắc (tức Trung Hoa) như người ta vẫn làm trước đó và sau này, như trường hợp cái tên Hà Nội.”
Vậy địa danh Hà Nội cụ thể ở bên Tàu là ở đâu? Trong cuốn Trung văn đại từ điển (中文大辞典) tập 19 phát hành tại Đài Bắc năm 1967 cho biết Hà Nội là tên một quận được đặt từ đời Hán (202 Tr.CN - 220 S.CN) nằm phía Bắc sông Hoàng Hà (Trung Quốc).
Chuyện vay mượn của Tàu thời xưa là điều rất bình thường khi văn hóa Trung Hoa còn ảnh hưởng rất nặng nề trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, bởi ngày xưa Trung Hoa được cha ông ta coi là thiên triều, cái gì của Trung Hoa cũng hay cũng đẹp.
Cho nên việc lấy tên Hà Nội từ Trung Hoa đem vào nước ta không phải là một cái gì mới mẻ. Huống chi vua Minh Mạng lại là người rất quý trọng thiên triều Trung Hoa. Từ Huế, vua ra Thăng Long nhận lễ phong vương của nhà Thanh, được vua chỉ thị tổ chức cực kỳ trọng thể năm 1821. Vua đem theo đoàn tùy tùng gồm hoàng thân, bá quan và quân lính tổng cộng 6,936 người! Sứ nhà Thanh đâu có đòi hỏi như thế! Đây chính là ý vua tự nguyện, thù tiếp sứ nhà Thanh vô cùng chu đáo suốt 33 ngày đêm! Một người say mê Trung Hoa như vậy thì có mượn một địa danh Trung Hoa đem về dùng ở nước ta cũng là chuyện không ngạc nhiên.
Mặt khác, Minh Mạng có thể đã rất khôn khéo khi chọn tên gọi Hà Nội để thay tên gọi Thăng Long, vì dù chỉ là một cái tên hết sức bình thường nhưng tên gọi mới Hà Nội này lại có thể được giải thích là “đất Kinh đô các đế vương thời xưa” [như trong Sử Ký Tư Mã Thiên đã viết - Quang Nguyễn] để đối phó với những điều dị nghị đối với triều Nguyễn của các sĩ phu Bắc Hà lúc bấy giờ - những người vốn vẫn còn cảm tình với nhà Lê.
Theo atabook.com
Theo cách dụng ngữ thông thường thì chúng ta chỉ hay nói “trong nhà, trong vườn, trong thành, trong lồng…” chứ chưa bao giờ nghe nói “trong sông” bởi nó rất tối nghĩa trong tiếng Việt. Khi chúng ta nghe “Đại Nội, Thành Nội hay Quốc Nội” chúng ta hình dung ngay ở bên trong một khuôn viên nào đó. Trong thành (thành nội), trong nước (quốc nội), tiếng Việt rất rõ ràng, ai nghe cũng hiểu ngay. Còn “trong sông” thì tiếng Việt nghe lạ tai quá, có thể nói là vụng về nữa! Một vùng đất nằm ở giữa hai con sông chúng ta cũng không gọi vùng đất ấy là “trong sông”!
Theo Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
Tổng hợp: SGT Group.