428 lượt xem

Tại sao gọi là Tịnh Biên?


Trải qua các giai đoạn lịch sử sự chuyển đổi địa danh từ “Tuy Biên” thành “Tĩnh Biên”, rồi “Tịnh Biên” chẳng hạn. Theo kiến giải, các địa danh này đã có sự chuyển đổi đi từ nội dung ý nghĩa đến cả hình thức ngữ âm như sau:

“Tuy Biên” có hai thành tố: “Tuy” có nghĩa “bình yên, yên ổn, bình định”; còn “Biên” có nghĩa “vùng ngoài biên, vùng giáp giới”. Như vậy, “Tuy Biên” vừa có ý nghĩa phản ánh thực tiễn: “một vùng đất biên giới thanh bình”, vừa thể hiện một ước nguyện cho việc đặt tên là “mong mỏi có được sự bình yên, bình định ở một vùng giáp biên thường dễ sinh biến động”.

Còn “Tĩnh Biên” cũng có hai thành tố “tĩnh” với nghĩa: “yên tĩnh, bình yên”; và “biên” có ý nghĩa: “vùng biên, vùng ngoài cùng, vùng biên giới”. Như vậy, “Tĩnh Biên” có thể hiểu là một “vùng đất giáp giới thanh bình, yên tĩnh”. Như vậy, sự thay đổi tên “Tuy Biên” thành “Tĩnh Biên” là con đường chuyển đổi tên gọi dựa trên nội dung ngữ nghĩa của từ ngữ và sự chuyển đổi đi từ thành tố “Tuy” “ít phổ biến, có xu hướng bác học” sang thành tố “Tĩnh” có tính “phổ biến và có nhiều sắc thái bình dân hơn”, tạm gọi là xu hướng “dân gian hóa”.

Rồi “Tĩnh Biên” lại thành “Tịnh Biên” thì “Tịnh” cũng có nghĩa tương tự như “Tĩnh”; nhưng ở trường hợp này đã có sự biến âm, mà việc biến âm này cũng là hiện tượng phổ biến, thường gặp trong phương ngữ Nam Bộ, như “cắm” thành “cặm”, “bửng” thành “bựng”, “bức bối” thành “bực bội”... Do vậy, con đường chuyển đổi ngữ âm cũng đi theo xu hướng “dân gian hóa”.

Huỳnh Công Tín