244 lượt xem

NGUYỄN BÌNH

Đồng chí Nguyễn Bình sinh ngày 30/7/1908[1], tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê quán tại thông Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, ông đã được đi học ở Hải Phòng, có điều kiện tiếp xúc với nhiều trí thức thông qua hoạt động của anh trai mình là Nguyễn Thế Nức - người trí thức yêu nước, tham gia sáng lập Hội Trí Tri và Hội Dục Anh.

Đồng chí Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Chân dung đồng chí Nguyễn Bình. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Năm 1925, mới 17 tuổi, Nguyễn Phương Thảo bị đuổi học vì đã tham gia vận động học sinh Trường Kỹ nghệ Hải Phòng bãi khóa phản đối chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Sau đó, ông làm thủy thủ trên tàu viễn dương của Pháp, chạy tuyến Sài Gòn - Marseille (Pháp). Làm thủy thủ một thời gian, ông bỏ việc, về sống ở Khánh Hội, Gia Định (nay là Quận 4, TPHCM), sau mở tiệm giặt ủi ở Đa Kao, Gia Định (nay thuộc phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM). Tại đây, ông kết bạn với Trần Huy Liệu, được Trần Huy Liệu móc nối, gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng (1928) và được bầu vào Ban Chấp hành Xứ bộ của đảng này. Năm 1930, sau vụ khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân đảng thất bại, ông cùng Trần Huy Liệu bị bắt, rồi bị Tòa đại hình Sài Gòn kết án 6 năm tù và đày ra Côn Đảo. Chính tại nhà tù này, ông tiếp xúc với những người cộng sản ưu tú như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)… và giác ngộ cách mạng, dần chuyển hướng theo lý tưởng cộng sản. Nhận thấy sự chuyển hướng của Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo, hai ông bị nhóm cực hữu trong Việt Nam Quốc dân đảng kết án tử hình nhưng cả hai đều may mắn thoát nạn, riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù mắt trái.

Năm 1935, ra tù, ông bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Sài Gòn, quản chế tại Hải Phòng. Tại đây, ông đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa cùng ước vọng “bình thiên hạ” và chính thức tuyên bố ly khai khỏi tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng[2]. Đồng chí Nguyễn Bình bí mật hoạt động trong phong trào bình dân, bị bắt ở Thái Nguyên. Được tự do, đồng chí lại hoạt động và tiếp tục bị bắt ở Hưng Yên. Năm 1942, trốn thoát khỏi nhà tù, đồng chí gặp lại Hoàng Quốc Việt và được phái lên Lai Châu hoạt động. Từ năm 1944, khi về hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, đồng chí đã xuống cả Hưng Yên, Đông Triều, Quảng Yên, Hòn Gai… để tìm mua vũ khí, xây dựng cơ sở Việt Minh. Đồng chí liên lạc với Lê Phú - một người bạn làm thủy thủ trên tàu của Pháp, hợp tác, mua vũ khí, súng đạn. Đồng chí Nguyễn Bình còn vận động tướng tá, binh sĩ trong quân đội Nhật chuyển hướng theo cách mạng. Hoạt động binh vận và mua sắm vũ khí của đồng chí được Xứ ủy Bắc kỳ đánh giá cao.

Tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, chính Nguyễn Bình là người đã tổ chức và chỉ huy du kích đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân, bắt toàn bộ trung đội địch, thu vũ khí. Đó là một trận đánh gây tiếng vang lớn, một trận đánh mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”[3].

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nguyễn Bình chủ động gặp và bàn bạc với Sư Tuệ (Nguyễn Văn Tuệ - một cán bộ Việt Minh) triển khai xây dựng Chiến khu Đông Triều. Lực lượng của Nhân dân và du kích ở Chiến khu Đông Triều đã chủ động tiến công địch ngay từ lúc chưa có chỉ thị khởi nghĩa. Ngày 8/6/1945, cùng với việc tiến công các đồn Tràng Bạch, Mạo Khê, Nguyễn Bình chỉ huy đánh chiếm đồn Đông Triều, giải tán binh lính và kêu gọi họ trở về với cách mạng chống Nhật. Sau đó, Ông tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của địch ở Đông Triều, phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân. Chiều 8/6/1945, Chiến khu Đông Triều chính thức được thành lập, bầu Ủy ban quân sự cách mạng gồm 4 đồng chí: Nguyễn Bình, Trần Cung, Nguyễn Hiển và Hải Thanh. Nguyễn Bình được giao làm Ủy viên Kinh tế, nhưng đồng chí không chỉ lo về kinh tế cho chiến khu mà còn trực tiếp chỉ huy chiến đấu để mở rộng phạm vi và hoạt động của chiến khu.

Ngày 20/7/1945, Nguyễn Bình đã chỉ huy lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng đánh chiếm tỉnh lỵ và giải phóng Quảng Yên. Đây là tỉnh duy nhất được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám.

Trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí cũng là người đã tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương. Khi Ủy ban quân sự liên tỉnh miền Duyên hải Đông Bắc thành lập, Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Chiến khu Đông Triều. Đồng chí đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở vùng Duyên Hải.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 10/1945, trước âm mưu và hành động gây hấn của thực dân Pháp hòng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tình hình cực kỳ khó khăn trong buổi đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, Nguyễn Bình được Bác Hồ tin cậy, cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Khi giao nhiệm vụ cho Nguyễn Bình, Bác Hồ trực tiếp gặp mặt thân tình và căn dặn: “Bác nghĩ các lực lượng trong đó đang cần một vị chỉ huy tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “Thập nhị sứ quân” rất bất lợi cho cách mạng. Người chỉ huy đó, theo Bác phải biết rõ miền Nam, lại phải là người có bản lĩnh thu phục được cả những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên… Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”[4].

Một cách giao nhiệm vụ, giao trọng trách hết sức tin cậy, một sự đánh giá con người, đánh giá cán bộ đúng đắn, thân tình của Hồ Chí Minh đối với một người chưa phải là đảng viên cộng sản thật hiếm có. Nguyễn Bình đã thật sự xứng đáng với lòng tin và sự đánh giá đó. Chính cuộc đời và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Bình là một minh chứng cho thiên tài Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đặc biệt trong nhìn nhận, đánh giá, sử dụng cán bộ.

Ngay khi vào đến Nam Bộ, ngày 22/10/1945[5], Nguyễn Bình đã viết bản Thông cáo số 1 gửi Nhân dân Nam Bộ. Thông báo viết: “Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng. Chống giặc tại nhà, tại làng, thôn, ấp, suối, rừng. Không cộng tác với giặc, không buôn bán, làm công cho giặc. Thực hiện triệt để vườn không nhà trống. Đối với địch thực hiện ba không: không nghe, không thấy, không biết. Đánh địch bằng mọi thứ vũ khí; không có súng thì dùng dao, bai, cuốc xẻng, gậy gộc…Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”[6].

Không chỉ kêu gọi, ngày 20/11/1945, Nguyễn Bình lấy tư cách là phái viên của Chính phủ Trung ương đã mời tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ về họp tại An Phú Xã. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Bình, Hội nghị nhanh chóng thống nhất đặt tên các đơn vị thành chi đội, bầu Nguyễn Bình là Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.

Thông cáo số 1 và hoạt động thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ lúc đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không những củng cố niềm tin cho Nhân dân và lực lượng vũ trang, mà còn tạo nên một lực lượng thống nhất, khắc phục một bước tính cát cứ của các lực lượng vũ trang lúc đó. Chính những yếu tố đó đã góp phần huy động sự tham gia rộng rãi và tổ chức chặt chẽ hơn của Nhân dân Nam Bộ.

Ngày 12/12/1945, Tư lệnh Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông để đào tạo cán bộ quân sự và cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường này. Chỉ từ tháng 12/1945 đến tháng 4/1946, Trường đã đào tạo hai khóa học đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp với hơn 100 cán bộ. Những học viên đầu tiên của Trường này đã trở thành những cán bộ chỉ huy, lãnh đạo kháng chiến của các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Chính đồng chí Nguyễn Bình đã trực tiếp đưa một số cán bộ này theo dòng người hồi cư trở lại nội thành Sài Gòn với câu nói nổi tiếng: “Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây”!

Vị Trung tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam | baotintuc.vn
Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại làng Nhơn Hòa Lập, tỉnh Đồng Tháp (7/1948). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Nguyễn Bình là người hết sức quan tâm tới lực lượng vũ trang nội thành. Khi phát hiện thấy các phân đội vũ trang này còn hạn chế về tổ chức, ngày 6/1/1946, đồng chí đã triệu tập tất cả chỉ huy các chi đội, các phân đội vũ trang tự lập họp lại để thống nhất các đơn vị. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các đơn vị vũ trang lại lấy tên chung là Ban Công tác thành. Các Ban Công tác thành có nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến ở nội thành. Đây cũng chính là tiền thân của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn.

Tháng 6/1946, Nguyễn Bình được Trung ương Đảng phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ một người yêu nước, tham gia Quốc dân đảng, sau đó giác ngộ cách mạng, tham gia và tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Hải Dương, nhận nhiệm vụ vào Nam Bộ tổ chức, chỉ huy cuộc kháng chiến rồi mới trở thành đảng viên cộng sản, đó là con người Nguyễn Bình, một cốt cách, một bản lĩnh, một tài năng Nguyễn Bình.

Chính những hoạt động đó của Nguyễn Bình, cùng với uy tín của đồng chí trước đó đã tác động mạnh tới đông đảo Nhân dân và tầng lớp trí thức. Họ khâm phục đồng chí ở tinh thần yêu nước, khí phách khảng khái, tài năng tổ chức và chỉ huy chiến đấu. Đồng chí vẫn thường xuyên ra vào nội thành Sài Gòn, gặp gỡ Nhân dân, gặp gỡ trực tiếp những trí thức yêu nước, có cảm tình với kháng chiến. Theo Nguyễn Bình, nếu ngồi ở chiến khu mời họ ra thì sẽ ít hiệu quả, tốt nhất là vào Sài Gòn, trực tiếp gặp gỡ họ thì việc vận động sẽ thuận lợi hơn hơn. Đồng chí thành tâm và thẳng thắn chuyện trò, trao đổi với trí thức, vận động, thuyết phục họ. Và chính tấm lòng trung thực của mình, đồng chí đã cảm hóa và thu hút họ theo kháng chiến.

Ngày 20/1/1948, đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước phong quân hàm Trung tướng[7] và là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 10/1948, Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập, Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh[8]. Với Sắc lệnh số 115/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 25/1/1948, Ông được chính thức làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, lãnh đạo lực lượng vũ trang chống Pháp ở Nam Bộ. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy viên Quân sự Nam Bộ, tức là người có vai trò chủ chốt trong việc thiết kế và tổ chức kháng chiến.

Tháng 10/1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định mở Chiến dịch Bến Cát. Chiến dịch diễn ra từ ngày 7/10 đến ngày 15/11/1950, ta tiêu diệt 509 tên địch, bắt 120 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của địch. Đây là chiến dịch đầu tiên và duy nhất được tiến hành ở miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1951, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ. Trên đường thi hành nhiệm vụ, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại Ratanakiri (Campuchia). Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước, mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM.

Nguyễn Bình sớm hy sinh, nhưng công lao của đồng chí đối với Tổ quốc và Nhân dân ta mãi còn đó. Trong Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ những đóng góp của đồng chí đối với công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đối với cuộc kháng chiến. Riêng đóng góp của đồng chí Nguyễn Bình đối với Nam Bộ, Người viết: “Đã góp phần lớn vào việc chỉnh đốn, xây dựng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất Nam Bộ”[9].

Đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tên Nguyễn Bình đã được đặt cho nhiều con đường ở TPHCM, TP Hải Phòng, TP Cần Thơ.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

____________________________________________

Tài liệu tham khảo

[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí Nguyễn Bình sinh năm 1906

[2] Có tài liệu cho rằng đồng chí đổi tên là Nguyễn Bình sau năm 1940

[3] Xem Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 5, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 2014, tr. 70.

[4] Xem Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 5, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 78 - 79.

[5] Có tài liệu cho rằng, sau một tháng nhận nhiệm vụ, ngày 23/10/1945, Nguyễn Bình có mặt tại Thủ Dầu Một, tổ chức cuộc họp tại đồn điền cao su Võ Bình Tây để bàn việc thống nhất các lực lượng kháng chiến tại Nam Bộ.

[6] Xem Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 5, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.79 -80.

[7] Đợt này có 11 vị tướng được vinh phong: Đại tướng là Võ Nguyên Giáp, Trung tướng là Nguyễn Bình, 9 vị Thiếu tướng là: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa và Trần Tử Bình.

[8] Đồng chí Dương Quốc Chính làm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Đăng, sau đó là Nguyễn Chánh làm Tham mưu trưởng.

[9] Xem Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 5, Nxb Quân đội Nhân dân, H., 2014, tr. 94.