298 lượt xem

NGUYỄN CHÍ THANH

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Quảng Bình - Báo Quảng Bình điện tử

Nguyễn Chí Thanh (Nguồn: Báo Quảng Bình)

Tiểu sử

Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh. Tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào tháng 8-1945, Nguyễn Vịnh được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thành, nhưng vì trùng tên với một người trong ban chấp hành Trung Ương Đảng nên xin đổi là Nguyễn Chí Thanh. Ông sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân ở làng Niêm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Từ năm 17 tuổi, Nguyễn Chí Thanh đã cùng một số thanh niên đấu tranh chống chính quyền thực dân, rồi tham gia phong trào bình dân, tích cực hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1936, ông tiếp xúc với Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diễu trong Phong trào Mặt trận Bình dân. Đến tháng 7-1937 ông là thành viên chính của đảng Cộng sản Đông Dương và lần lượt được cử làm bí thư chi bộ, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, cùng các cơ sở ở nhiều nơi trong tỉnh.

Năm 1943 ông bị bắt, đến năm 1945, ra tù ông hoạt động ở miền Nam Trung Bộ. Tháng 8-1945 ông được cử đi dự hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào - Tuyên Quang.

Năm 1946, ông lập gia đình với Nguyễn Thị Cúc tại xã Nam Dương, gia đình là cơ sở cách mạng thời kỳ những năm 1924-1925.

Ngày 25-03-1947, 40 ngày sau khi quân ta rút quân khỏi Huế, Ông đã triệu tập cuộc họp đặc biệt tại làng Nam Dương, huyện Phong Điền. Mở đầu cuộc họp, ông đọc lá thư đề ngày 5-3-1947 của Bác Hồ: "Gởi các đồng chí Trung Bộ", nêu lên những khuyết điểm của cán bộ đảng viên trong những ngày đầu kháng chiến. Ông nói:"Bộ đội ta rất anh dũng. Tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao. Điều đáng trách là cán bộ, đảng viên chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc. "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài, chúng ta phải trở về với dân". Sau đó Tỉnh uỷ Thừa Thiên đã ra nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo:"Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch".

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng  Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960 (Nguồn: Quốc Phòng Thủ Đô)

Năm 1948, Trung ương thành lập Phân khu ủy Bình Trị Thiên, chỉ định ông làm bí thư, thống nhất chỉ huy ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Phân khu uỷ đã ra nghị quyết mở chiến dịch phá tề thành công, làm cô lập hệ thống đồn bót; đâu đâu cũng có dân quân du kích hoạt động, những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu:"Vị tướng du kích".

Giữa năm 1950, ông được điều động vào quân đội giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai, ông được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1959, ông được phong Đại tướng và là vị tướng thứ hai của Quân đội Nhân Dân Việt Nam. 

Tháng 9-1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, ông lại tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

Năm 1961, được giao cho phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương. Ông đã phát động phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) và đã viết bài báo "Hoan nghênh Hợp tác xã Đại phong" đăng trên báo Nhân Dân.

Từ năm 1965 đến 1967, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính uỷ Quân Giải phóng miền Nam, lấy bí danh là Sáu Vi, bút danh Hạ sĩ Trường Sơn - cũng là tên con trai đầu lòng, sinh ở chiến khu Hoà Mỹ, mất sớm năm 1947 - của những bài báo nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ.

Ngày 6-7-1967, ông mất đột ngột vì bệnh tim, hưởng dương 53 tuổi. Nguyễn Chí Thanh là một cán bộ lãnh đạo có tài năng, góp phần tích cực vào những chiến thắng vẻ vang của quân dân Việt Nam. Do công lao của mình, Nguyễn Chí Thanh được tặng thưởng nhiều Huân chương, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng (truy tặng), Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Vợ ông và bốn con một trai, ba gái đều là bộ đội.

Bình luận

  • Ngày vĩnh biệt

Đêm hôm ấy, mồng 5-7-1967, khu vực Lý Nam Đế mất điện. Trời oi bức. Anh Thanh vừa ăn bữa tối với Bác Hồ. Mọi thứ đều sẵn sàng. Sáng sớm ngày mai anh sẽ lên đường vào Nam. Anh đi Nam chuyến này để thực hiện nghị quyết mới của Bộ Chính trị về cách mạng Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt và kéo dài. Chưa biết đến khi nào anh trở ra Bắc. Chị Cúc nằm cạnh anh, thao thức. Lần chia tay này chị sẽ còn phải xa anh bao lâu nữa? Bỗng nhiên, chị thấy anh choàng vùng dậy. Anh Thanh nói với chị:

- Anh thấy trong người khó chịu lắm. Có cảm giác như nước chảy ào ào trong người. Cúc gọi xe đưa anh đi bệnh viện.

Đồng chí bảo vệ chạy đến đưa vai bảo anh bám vào để đồng chí cõng ra xe. Anh không cho cõng. Anh tự ra đến cổng để lên xe. Xe vừa đến bệnh viện thì anh ngất đi.

Chị Cúc không được đi theo xe. Bác sĩ bảo anh bị bệnh tim. Chị đi lại ngơ ngác, thẫn thờ trong sân nhà. Anh có bệnh tim bao giờ đâu nhỉ. Thật không ngờ. Anh là người rất khỏe. Khi mọi người chở chị đến bệnh viện, anh Thanh còn thở thoi thóp, mạch đập rất yếu nên không hay biết gì nữa.

Cái buổi sáng mồng 6-7-1967 định mệnh ấy, trái tim nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam đã ngừng đập. Anh mới tròn 53 tuổi. Nhưng vị tướng ấy đã kịp trang bị cho những người ở lại niềm tin và quyết tâm thắng Mỹ. Anh và đồng đội đã làm cho bao thế hệ các tướng lĩnh Mỹ đau đầu đi tìm câu trả lời: Tại sao Việt Nam thắng? (Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh/ Tuổi Trẻ Online ngày 06-02-2006: Những lá thư từ chiến trường).

  • Là một người cha nhân hậu và hết mực thương yêu con cái, nhưng ba là người rất nghiêm khắc. Những lá thư gửi từ miền Nam ra cho chúng tôi, không bao giờ thấy ông chúc may mắn, thành đạt... mà chỉ dặn là khiêm tốn và chăm lao động. Ba hiền lắm, từ nhỏ chưa bao giờ ba nặng lời, hoặc đánh mắng chúng tôi, nếu có gì sai ba nghiêm khắc bảo ban, nhưng cũng hay xuê xoa để mẹ không mắng mấy chị em. Nhưng có những điều ba rất “kỵ”, và không bao giờ bỏ qua...Mọi sai lầm khuyết điểm đều có thể tha thứ, và đều có thể sửa chữa được - nhưng có những điều không thể bỏ qua, đó là hỗn láo với mọi người xung quanh, thứ đến là giả dối, lười biếng, ích kỷ và đua đòi. Bây giờ khi nhớ lại những chuyện nhỏ như vậy, chúng tôi mới hiểu tình thương của ba đối với chúng tôi như thế nào...40 năm sau khi ba mất, tình cảm không còn đầy đủ như khi ba mẹ còn sống, và cuộc sống cũng có khi này khi khác - nhưng chúng tôi luôn thanh thản, tự hào và hài lòng với cuộc sống của mình. Còn đòi hỏi gì thêm nữa, khi mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, có một người cha như vậy!. (Nguyễn Thanh Hà - Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).
  • Ngày giải phóng thủ đô, gia đình tôi về Hà Nội, ở nhà số 1 đường Thanh Niên, một ngôi nhà cổ kính ven hồ Trúc Bạch. Vài năm sau chuyển về nhà 34 Lý Nam Đế, một ngôi biệt thự rộng rãi và có vườn hoa rất đẹp. Sau khi gia đình tôi chuyển về đó ít hôm, Bác Hồ đến thăm. Khi ra về Bác bảo: Nhà đẹp, gọn gàng như vậy là tốt, nhưng nên trồng thêm rau, cây ăn quả trong vườn. Thế là ngày hôm sau, cả nhà cùng các chú cảnh vệ xoay trần ra trồng rau, cây ăn quả... Đặc biệt ba tìm không biết ở đâu mấy cây dừa miền Nam trồng ở trước và sau nhà.

Đến năm 1967, khi ông chuẩn bị vào Nam lần thứ 2 thì bói lứa quả đầu, ba cho hái mấy quả, quả đầu tiên đưa lên cho mệ (bà nội), còn lại bổ lấy nước mấy cha con uống. Uống xong, ông khà một tiếng thật sảng khoái rồi nói: “Chà, nước dừa ngon quá, uống được một hớp thế này chết cũng sướng”. Vài hôm sau thì ba mất. Căn nhà 34 Lý Nam Đế gia đình tôi ở đến năm 1989 thì trả lại cho Tổng cục Chính trị, làm trụ sở Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nay mỗi lần đi qua đó, không lần nào chúng tôi không nhớ lại tuổi thơ và những năm tháng tươi đẹp, khi xung quanh còn ba, còn mẹ, còn một đại gia đình, và cả 4 chị em tôi đều lớn lên ở đó.

Ngày trước, ai đi qua cửa nhà chúng tôi cũng thấy một bà già lắm rồi, tóc bạc trắng như cước, khi nào cũng đứng ở trên lan can gác 2 nhìn xuống đường - đó là bà nội tôi, ở nhà gọi là mệ. Mệ chính là người nuôi dạy và bảo ban ba đi làm cách mạng, bàn tay phải của mệ chỉ còn 4 ngón, do lấy tay bịt nòng súng của quan ba Pháp không cho nó chĩa vào mặt, bị nó bắn cụt mất ngón tay... Khi ba từ Việt Bắc về Hà Nội đưa mệ từ Thừa Thiên ra ở cùng.

Có lần ba cùng mấy người bạn đồng hương ngồi nói chuyện quê hương, cứ mong ước được về Nam đánh giặc giải phóng quê hương, mệ đi qua nghe được, hứ một tiếng rồi nói: “Mấy thằng bay toàn đánh giặc mồm, có giỏi thì vô Nam mà đánh, ngồi đây mà nói chuyện đánh đấm làm chi rứa?”. Sau này được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào Nam đánh Mỹ, có lẽ ba không bao giờ quên câu nói đó của mệ, và đến đầu năm 1967, khi ba từ miền Nam ra, gặp mệ đầu tiên, mẹ chỉ cười rồi nói: “Mi giỏi!”. (Nguyễn Thanh Hà - Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

  • Tôi nhớ nhất năm 1965 và 1966 khi Mỹ đổ bộ trực tiếp đưa 20 vạn quân vào tham chiến ở Việt Nam, tình thế chiến trường đặt ra một loạt câu hỏi:

- Phải chăng tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho địch (Mỹ - ngụy).

- Phải chăng ta phải thay đổi phương châm chỉ đạo, không thể tiếp tục tấn công mà phải quay về phòng ngự.

- Mỹ nó có hỏa lực mạnh, cơ giới nhiều, biên chế đầy đủ, ta đánh cách nó, có thể đánh tiêu diệt được không?.

Qua nhiều lần trao đổi phân tích, những ý kiến của anh hình thành ra những tư tưởng chỉ đạo rất sắc bén, những ý kiến đó làm bản thân tôi nhận thức được tình thế chiến trường hết sức sáng sủa và tăng quyết tâm, tin tưởng lạ lùng. Những ý kiến đó sau rất nhất trí với nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đó là những ý kiến đại thể:

- Mỹ vào Việt Nam, trong thế bị động, thế thua, tương quan lực lượng không thay đổi căn bản được.

- Do đó ta cứ tiếp tục tấn công, chỉ có tấn công mới tiếp tục giữ thế chủ động và làm cho Mỹ - ngụy bị động, suy yếu

Mỹ có cách đánh của Mỹ, ta có cách đánh của ta. Ta phải bắt Mỹ theo cách đánh của ta chứ không để Mỹ kéo ta vào cách đánh của nó.

Cố nhiên trong khi thảo luận, cũng nhiều đồng chí có những ý kiến phong phú, nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi vẫn là, những ý kiến đó được xuất phát từ những lời phát biểu đầu tiên của anh Thanh rồi. Chúng tôi phát biểu thêm, bổ sung cho ý kiến hình thành rõ rệt. Cũng dịp này có các chỉ huy đơn vị về họp có nói Xin Quân ủy Miền chỉ các phương châm tác chiến - anh Thanh trả lời đùa mà cũng như thật Phương châm tác chiến nó nằm ở mặt trận ấy, các cậu ra đó mà lấy.

Quả thật sau đó, những khẩu hiệu Vành đai diệt Mỹ, Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh, Mười kinh nghiệm đánh Mỹ của Củ Chi ở chiến trường dội về, chúng tôi phải rất khẩn trương làm việc, phổ biến các kinh nghiệm đó cho kịp thời và rộng rãi. Những tư tưởng chỉ đạo đúng đã khai thác được tiềm năng sáng tạo trong nhân dân và chiến sĩ mạnh mẽ đến như vậy. Cũng trong những buổi đi chơi, đột nhiên anh Thanh lại gọi tôi, nói một câu lửng lơ: Này Độ này, thế mà lại hóa ra hay đấy! Tôi không hiểu, phải hỏi lại. Thì té ra anh lý lại đang suy nghĩ về tình thế chiến lược, anh phân tích Tớ bảo thằng Mỹ đem quân nhảy vào mà hóa ra hay. Ta sẽ nhất định thắng và khi ấy trắng ra trắng, đen ra đen, không nhập nhằng gì nữa. Ta thắng là thắng thẳng thừng với quân Mỹ Nếu nó không vào khi ta thắng, nó lại nói phét là tại quân Mỹ không vào nên Việt cộng mới thắng được. Nay nó đã vào. Ta với Mỹ đã mặt đối mặt rồi nhé Mỹ thua là thua Việt cộng đứt đuôi con nòng nọc, không cãi được vào đâu nhé! Cậu bảo thế chả là hay à? Ý kiến của anh vừa giản dị vừa sâu sắc, nó cũng giảm nhẹ đi rất nhiều những lo âu trong khi tôi phải cùng các anh trong Bộ chỉ huy tính toán bao nhiêu vấn đề để đối phó với một tình thế chiến tranh ngày càng căng thẳng và phức tạp. Tôi cảm thấy đó là một ý kiến độc đáo, rất biện chứng, rất lạc quan anh hùng. Tính lạc quan anh hùng cửa anh rất ồn ào sôi nổi, nhiều lúc giản đơn hóa sự việc đi nhiều. Nhưng cũng rất thú vị. Tôi vừa vào tới nơi hôm trước thì hôm sau anh bảo tôi chuẩn bị đi dự Đại hội Thanh niên giải phóng. Anh bảo tôi: Cậu nên đi và cần phải đi, ở đó cậu sẽ gặp những thanh niên anh hùng rất thú vị mình vừa dự Đại hội Phụ nữ, thật là tuyệt vời. Mình gặp một cô nữ du kích ở Trà Vinh - chắc cô ấy cũng sẽ dự Đại hội thanh niên. Rất đặc biệt. Cô ta mới 19 tuổi, người hiền khô (anh bắt đầu nói kiểu Nam bộ), hiền lắm, thế mà đánh giặc 110 trận rồi đó. Napoléon suốt đời đánh có 100 trận mà cô này mới 19 tuổi đã đánh nhiều trận hơn Napoléon rồi. Cậu thấy dân ta có ghê không nào?. (Trung Tướng Trần Độ).

  • Làm việc dưới sự chỉ đạo của anh, tôi còn tâm đắc điều này: Cách làm việc của anh tạo cho cấp dưới phát huy khả năng sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, biết rõ ý thức trách nhiệm về những quyết định của mình, không ỷ lại, không dựa dẫm. Một lần, Quận ủy Miền có quyết định chủ trương xây dựng Chi bộ 4 tốp trong các lực lương vũ trang. Sau khi có Nghị quyết chủ trương, tôi bàn với các anh ở Cục Chính trị Miền, vạch một kế hoạch để thi hành quyết định đó. Khi có kế hoạch rồi, tôi báo cáo xin anh bố trí thời gian để chúng tôi trình bày và anh góp ý kiến. Anh liền gạt đi mà bảo rằng: Thôi việc đó là thuộc chức trách các cậu. Các cậu nghĩ gì cứ làm vậy rồi rút kinh nghiệm sau. Việc gì các cậu cũng cứ báo cáo trình bày chờ ý kiến mình, thì các cậu đâm ỷ lại ra. Sau đó anh nói như tâm tình tiếp: Thật ra, chúng mình làm việc, mỗi người có những mặt mạnh yếu khác nhau, mỗi người có một quá trình tích lũy riêng. Các cậu ở đơn vị dưới đã lâu có khi về khả năng suy nghĩ tổ chức thực hiện những việc cụ thể, mình không bằng các cậu đâu, trong khi bàn về những chủ trương chung mình, đã phát biểu hết ý kiến các cậu nhất trí tán thành nghị quyết của tập thể là được. Sau đó chính là trách nhiệm các cậu phải triển khai thực hiện, đừng chờ đợi mình nữa. Từ nay cứ thế mà làm! Tôi nghiệm ra ý kiến của anh rất chính xác. Nghe anh nói như vậy, tự nhiên tôi thấy tôi có trách nhiệm nặng hơn, phải suy nghĩ, cân nhắc nhiều hơn và cũng tự tin hơn, yên tâm hơn.

Sau này trong nhiều việc khác, có khi hỏi anh, hoặc có khi tôi tranh thủ chủ động báo cáo với anh. Nhưng về những việc trong phạm vị trách nhiệm của tôi, tôi cảm thấy anh không bao giờ anh bác một ý kiến nào? Phần lớn là anh nghe, chấp nhận và im lặng, coi như để biết vậy thôi, thỉnh thoảng anh khuyến khích và tán thưởng một vài việc.. Năm 1965, chúng tôi tổ chức Đại hội mừng công toàn Miền lần thứ 1, để tuyên dương anh hùng các lực lượng vũ trang Giải phóng. Trong việc chuẩn bị, anh tham gia rất sát với chúng tôi, từ việc hướng dẫn địa phương báo cáo, nghe các chiến sĩ thi đua báo cáo thành tích, bầu tiêu chuẩn, tuyển chọn cụ thể, viết bản tuyên dương, định kế hoạch và làm việc với văn nghệ sĩ để viết các chuyện anh hùng v. v... Anh đều tham gia tích cực và có tác dụng hướng dẫn cả một tập thể cơ quan chính trị rất có hiệu quả.

Anh đặc biệt chú trọng cùng chúng tôi duyệt văn bản tuyên dương trong đó tóm tắt thành tích các anh hùng, vì bản này rất khó viết. Làm sao thật ngắn gọn mà nổi bật được những thành tích nói lên, bản chất anh hùng của chiến sĩ mà không khoa trương thổi phồng, lại có giọng văn cổ vũ lòng người. Làm xong Đại hội, anh khen ngợi ban tổ chức trong không khí thân tình: Các cậu bây giờ khá thật, lần đầu tiên tổ chức một Đại hội anh hùng mà ta làm được khá chu đáo tốt đẹp. Như vậy là giỏi lắm. Trong thời kháng chiến chống Pháp khi mình phải chịu trách nhiệm tổ chức Đại hội anh hùng ở Việt Bắc mình cứ búi sùm sùm, bao nhiêu là cố vấn giúp đỡ mà còn vất vả trầy trật. Sau Đại hội này các cậu có thể tổ chức các Đại hội khác không khó khăn gì.

Thật vậy, sau đó, năm 1970, chúng tôi tổ chức Đại hội anh hùng lần thứ hai, và 1973 tổ chức Đại hội anh hùng lần thứ ba, chúng tôi coi như đã có bài bản, kinh nghiệm triển khai việc chuẩn bị và tổ chức bình tĩnh yên tâm hơn, không có vấp váp gì. Những đại hội sau anh Thanh không còn nữa. Nhưng chúng tôi làm việc vẫn còn cảm thấy như vẫn còn anh Thanh gần đó, vẫn là chỗ dựa cho chúng tôi và chỉ dẫn chúng tôi.

Tôi tâm đắc điều đó mãi đến bây giờ, và tôi vẫn cho rằng anh Thanh có một phong cách làm việc tiên tiến và ưu việt, nó mang tính khoa học sâu sắc và có rất phù hợp với yêu cầu hiện nay. Phát huy tinh thần làm chủ tập thể của từng cấp, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp để nâng cao tính chủ động, sáng tạo, độc lập suy nghĩ của các cấp, khắc phục được lính ỷ lại của cấp dưới và tính bao biện áp đặt của cấp trên. Chính nhiều văn kiện của Đảng hiện nay đang yêu cầu xây dựng một phong cách làm việc như vậy. Phong cách đó phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa. Anh Thanh sớm có phong cách ấy vì vậy anh Thanh rất tiên tiến vậy. (Trung Tướng Trần Độ).

Nguồn: http://mobile.coviet.vn