248 lượt xem

Nguyễn Mậu Tuyên - nguyên lão cầm quyền chính

Nguyễn Mậu Tuyên - nguyên lão cầm quyền chính, công thần thời Lê- Trịnh. Ông làm quan đến chức Tể tướng, đứng đầu danh thần đời Lê Trung hưng.

Coi sóc chính sự đâu ra đấy

Nguyễn Mậu Tuyên sinh năm 1518. Thân phụ ông là Nguyễn Trinh, làm quan tới chức Lễ bộ Thượng thư chưởng bộ sư, phò mã Đô úy Hưng quận công. 

Nguyễn Mậu Tuyên là hậu duệ đời thứ 5 của Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm, người làng Thịnh Mỹ, huyện Lộc Dương, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, lập lên triều Mạc (1527- 1592). Bấy giờ nhà Mạc lùng bắt những quan cận thần thuộc triều đình nhà Lê nên Nguyễn Mậu Tuyên được gửi cho bà nhũ mẫu (bà Đồi) nuôi dưỡng chăm sóc. Sau đó, Nguyễn Mậu Tuyên lại trốn về quê mẹ ở thôn Thiên Tôn. Đến năm 11 tuổi trở về quê cha.

Lớn lên, Nguyễn Mậu Tuyên thi trúng Tam trường. Ông là  người thông minh, có kiến thức sâu rộng, hết lòng vì dân vì nước, tài đức đều đủ cả. Năm Kỷ Dậu (1549), Nguyễn Mậu Tuyên đến hành tại vua Lê ở Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa) được vua Lê Trang Tông thu dùng. Ông làm tham mưu nơi màn trướng, ra sức giúp rập, được Thái sư Trịnh Kiểm rất khen ngợi và quý trọng.

Năm Giáp Dần (1554) đời vua Lê Anh Tông, Nguyễn Mậu Tuyên giữ chức Hữu thị lang bộ Lại, tước Nhân nghĩa bá, sau được chuyển sang Hữu thị lang bộ Binh, tước Tường lão bá.

Tháng hai năm Canh Ngọ (1570) Trịnh Kiểm băng hà, con trai trưởng là Trịnh Cối là người kiêu ngạo càn rỡ, không được các tướng dưới quyền ủng hộ. Các quan của Trịnh Kiểm như Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiên, Trịnh Bách, Phan Công Tích, Nguyễn Mậu Tuyên đem quân bản bộ theo về với Trịnh Tùng. Năm 1572, xét những công thần có công, Nguyễn Mậu Tuyên được ban tước Hầu.

Đời vua Thế Tông, niên hiệu Gia Thái thứ nhất (1573), Nguyễn Mậu Tuyên được giữ chức Đô Ngự sử. Năm 1580, ông được thăng Thượng thư bộ Công. Bốn năm sau (1584), Nguyễn Mậu Tuyên được chuyển sang Thượng thư bộ Hộ.

Năm 1593, dẹp yên nhà Mạc, Nguyễn Mậu Tuyên phò vua về Thăng Long, ông được phong "Minh Nghĩa phụ hưng công thần", giữ chức Thượng thư bộ Lại.

Năm 1594 nhà vua sai ông mang sắc đi truy phong Thái sư Nguyễn Kim (đã mất năm 1545) tước hiệu Chiêu huân Tĩnh công. Lúc bấy giờ kinh đô mới khôi phục, nhà vua trao chức Tể tướng cho Nguyễn Mậu Tuyên. Ông điều hành mọi công việc chính sự đâu ra đấy, giúp chúa Trịnh Tùng sắp xếp quan chức, củng cố bộ máy quản lý đất nước.

Chọn người hiền tài

Năm Ất Mùi (1595), triều đình mở khoa thi Hội cho học trò cả nước, vua sai Nguyễn Mậu Tuyên lấy đỗ các thí sinh đã đỗ kỳ thi Hội. Nguyễn Mậu Tuyên đọc các quyển thi, chọn được 6 người đỗ xuất thân và đồng xuất thân theo thứ bậc khác nhau, Mậu Tuyên kén chọn được người hiền tài, ai bàn đến cũng phải khen ông đức độ.

Năm Bính Thân (1596), nhà vua gia phong Nguyễn Mậu Tuyên làm Quỳnh Quận công.

Ngày 6 tháng giêng năm Kỳ Hợi (1599), Nguyễn Mậu Tuyên mất, hưởng thọ 82 tuổi. Nhận xét về Nguyễn Mậu Tuyên, nhà sử học Phan Huy Chú viết: "Nguyễn Mậu Tuyên là dòng dõi công thần, học vấn rộng rãi, chín chắn, phẩm hạnh thuần hậu, ông làm quan hơn 40 năm, hết lòng với Hoàng gia.

Ông giữ tiết kiên trinh, trải gian nan giúp nên bình định, dựng nên công lao sự nghiệp tốt đẹp. Về sau, ông giữ chức Tể tướng, là bậc nguyên lão cầm quyền chính, làm muôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần đời Trung hưng, triều đình tặng cho ông chức Thiếu sư, ban tên thụy là Trung Cẩn".

Nguyễn Mậu Tuyên có 3 người con trai và 4 con gái. Con trai thưởng thi trúng tam trường, làm quan tới chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh, tước phong Lộc bá khi mất được ban tên thụy là Trung Chất.

Con trai thứ tên húy là Tông, tên tự là Trạch. Con trai út tên húy là Thừa Sủng, thi đỗ tam trường, làm quan tới chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tả thị lang bộ Công tước Diễn phái hàm, được ban tặng Tả thị lang bộ Công, Diễn quận công, tên thụy là Trung Cần.

CHÍ ĐỨC