278 lượt xem

Nguyễn Phạm Tuân - Chết vì vua còn gì phải sợ – kỳ 3: Đánh giặc từ trên giường bệnh

Đánh giặc từ trên giường bệnh

Triều đình Huế thấy dùng các phủ dụ không thể xoay chuyển được ý chí của các thủ lĩnh và nghĩa quân Cần Vương bèn lấy quyền cho quân Pháp tìm cách đánh dẹp.

Tháng 3 năm 1887, địch lại tấn công vào làng Cổ Liêm, nghĩa quân chống cự dũng cảm, nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên cuối cùng đồn Thác Đài bị thất thủ.

Để tính việc chống Pháp lâu dài, Nguyễn Phạm Tuân cùng một viên lãnh binh đem 60 nghĩa quân vượt núi ra Hà Tĩnh để cùng các lực lượng văn thân ở đây phối hợp hành quân và tìm cơ sở cho Hàm Nghi di chuyển ra Bắc.

Kế hoạch này được những người chỉ huy nghĩa quân nhất trí ủng hộ, nhưng không may trên đường ra Hà Tĩnh, Nguyễn Phạm Tuân bị lâm bệnh nên ngày 15/3/1887 ông phải tạm rút về Cổ Liêm để chữa trị.

Về tới Cổ Liêm, Nguyễn Phạm Tuân đã cử người lãnh binh đưa một số binh lính đến Quy Đạt lập một điểm phòng ngự mà ông cho rằng Pháp muốn đến Cổ Liêm tất phải đi ngang qua Quy Đạt. Không ngờ bọn thám báo dẫn một đội quân Pháp ban đêm vượt núi rừng và tờ mờ sáng ngày 9/4/1887 chúng ập đến chỗ Nguyễn Phạm Tuân đang điều trị.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra rất ác liệt, nghĩa quân đã dũng cảm bảo vệ người chỉ huy của mình, xông lên đánh trả lại quân Pháp. Nguyễn Phạm Tuân từ trên giường bệnh vùng dậy rút gươm giao chiến với tên quan ba Mouteaux nhưng vì đang bị bệnh, sức yếu nên bị bắn trúng đầu gối, quỵ xuống.

Ông bị bắt, giặc Pháp lục soát và thu được cả ấn của vua Hàm Nghi. Chúng đưa ông về Minh Cầm ngay trưa hôm đó. Tại đây, giặc tìm đủ mọi cách mua chuộc để tìm chỗ ở của vua Hàm Nghi, nhưng trước sau Nguyễn Phạm Tuân không khai.

Cái chết bi thương

Sau những lần tra hỏi bằng vũ lực không có kết quả, bọn Pháp lại dùng tiền bạc và danh vọng hòng dụ dỗ ông.

Có lần tên đại úy Mouteaux khuyên ông: “Ngài nên cố ăn uống cho chóng khỏi, lành bệnh, nước Pháp sẽ hết sức trọng dụng ngài, xin ngài đừng sợ…” .

Nhưng Nguyễn Phạm Tuân đã dõng dạc trả lời: “Tao bình sinh trọng cương trường, ghét đạo tặc. Cần nói cho ngươi biết, con mà chết vì cha, tôi mà chết vì vua, còn gì là phải sợ”.

Vì bệnh tình quá nặng, đến hai giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm Đinh Hợi (tức ngày 10/4/1887), Nguyễn Phạm Tuân dũng cảm tự vẫn. Sự việc xảy ra quá đột ngột với bọn Pháp.

Đại úy Mouteaux cảm thấy như bị một cái tát vào mặt, hắn bàng hoàng ngẩn ngơ vì ý đồ của hắn không thực hiện được. Cái chết của Nguyễn Phạm Tuân làm cho đại úy Mouteaux lồng lộn, điên tiết nên đã ném xác ông xuống sông Minh Cầm và cấm người dân vớt xác ông lên chôn cất.

Nhưng bất chấp sự đe dọa của giặc, những người trung nghĩa đã vớt xác ông đưa về mai táng ở làng Kim Thanh, sau đó được cải táng đem về đặt ở vùng núi Yên Sơn, xã Yên Phong, huyện Quảng Trạch.

Sau khi Nguyễn Phạm Tuân mất, Tôn Thất Trọng và một vị tham tri khác bị giải về Huế. Các quan khác đều bị đưa ra chợ Minh Cầm bắn chết.

Dương Tuấn

Khoahocdoisong.vn