284 lượt xem

Nhà Bàn hay là Nhà Bàng?

Nhà Bàn và Nhà Bàng hiện tồn tại ba quan điểm giải thích về nguồn gốc tên gọi:

Theo tác giả Lê Trung Hoa (trên Tuổi trẻ Online, ngày 4/10/2010): “Nguyên trước đây tại vùng này có một cái nhà chuyên giã cỏ bàng để đan các dụng cụ như bao, giỏ, đệm… Cọng cỏ bàng thân tròn, cứng, nếu không giã thì khó trong việc đan và sử dụng các sản phẩm. Do đó, vùng này có địa danh Nhà Bàng…”. Ngoài ra còn có nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất với quan điểm này: “Nhà Bàng là xứ có nhiều cỏ bàng, dùng làm các sản phẩm phục vụ đời sống, người dân gọi quen thành Nhà Bàng”.

Theo tác giả Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục Nhân vật Diễn ca, xuất bản năm 1909, tại Sài Gòn đề cập đến địa danh này như sau:
“Đốc công tạo lập sở vườn
Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang
Cất bên một cái nhà bàn
Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn
Sau lập chợ phố hai hàng
Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh”

Đặc biệt, ngoại lệ có một giả thuyết, sở dĩ xuất hiện tên gọi Nhà Bàn/Bàng là do: “Cái nhà có (trồng) nhiều cây Bàng (loài cây thân gỗ lớn thuộc họ Trâm Bầu) sinh sống nên người dân gọi Nhà Bàng…”.

Quá trình tìm hiểu lịch sử, vấn đề địa danh Nhà Bàn, Nhà Bàng chưa có một tài liệu cổ sử nào đề cập cụ thể (những tài liệu về An Giang: Gia Định Thành thông chí – Trịnh Hoài Đức; Đại Nam Nhất thống chí – Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Lịch sử đất An Giang – Sơn Nam…) ngoài những câu thơ miêu tả của Nguyễn Liên Phong.

Có thể khẳng định, bấy giờ “nhà bàn” là địa danh do người dân gọi phỏng, kiểu lấy đặc trưng của nơi, vùng đất (“nhà bàn” – đặc trưng) đặt tên địa danh.

Từ thành lập “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” – thành lập “nhà + bàn” để công nhân ăn, ở, nghỉ - dân gian gọi lâu thành thói quen – xuất hiện địa danh Nhà Bàn. Ví dụ: Đi đâu? Đi lên chỗ (có cái) nhà … ăn (ở, nghỉ) … có (cái) bàn (dài) ở chân núi. Gọi lâu ngày đơn giản hóa (tỉnh lược) thành “Nhà Bàn”. Tương tự: gần Nhà Kho, khu Nhà Cháy, Nhà Bè, gần Nhà Thờ, cạnh Nhà Xác, xóm Nhà Ngói… (vấn đề “cây Bàng”, “cỏ bàng”, “nhà + giã cỏ Bàng” => Nhà Bàng sẽ giải thích sau).

Lại có nhiều ý kiến cho rằng: “Nếu tên gọi Nhà Bàn xuất phát từ quá trình trồng cây ăn trái, kỹ nghệ thì ở miền Đông, Tây Nguyên… Pháp cất nhiều “nhà bàn” phục vụ cho trồng cây công nghiệp sao người dân không gọi địa danh nơi đó là Nhà Bàn như trường hợp Nhà Bàn – An Giang?”.
 
- Khi lập vùng chuyên canh cây công nghiệp, khai khoáng, những đồn điền chè, cà phê… người Pháp lấy tên gọi có sẵn của vùng đất để đặt tên (lúc này địa danh Nhà Bàn ở Tịnh Biên chưa ra đời), hay lấy chính tên chủ sở người Pháp đặt tên cho đồn điền. Ví dụ: đồn điền cao su Phú Riềng, đồn điền cao su Cam Tiên, đồn điền cà phê Buôn Mê Thột, công ty than Tuyên Quang; miền Tây có Đồn điền Cái Sắn (Société Civile des Rizieres de CaiSan), đồn điền Miền Tây (Domaina Agri cole de l’Ouest)…

 
-Về quy mô, “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” ở Nhà Bàn không phải là đồn điền thực thụ, không có địa thế bằng phẳng, nối tiếp nhau hàng trăm, hàng ngàn hécta. Đây là ở trồng cây phân tán, lại không được đầu tư lớn về khoa học kỹ thuật nên chưa có tên gọi, “bảng hiệu” hẳn hoi như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Có thể ban đầu giới chức Pháp gọi “sở” này bằng chính tên của người Pháp (Măn-xê) nhưng trong thói quen đặt – gọi tên đất, tên người của lưu dân Nam Bộ, họ lấy đặc điểm, đặc trưng của bổn xứ đặt tên đất, tên người, ví dụ: Ngô Thất Sơn, miếu Bà chúa Xứ Bàu Mướp, Vịnh Tre, cầu Cây Me… Cái tên Pháp khó đọc, khó hiểu không được dân bản xứ tiếp nhận. Vì vậy, “nhà bàn” là đặc trưng của vùng, sở tại gọi lâu phổ biến thành địa danh “Nhà Bàn” (tương tự/; Nhà Bè, cầu – chợ Cây Me, chợ Cây Mít, sông Cái Lớn, Làng Chài, Làng Gạch…).

Qua giải thích, chứng minh bằng những sự kiện lịch sử có thể khẳng định, tên gọi Nhà Bàn xuất phát từ sự tồn tại của “nhà bàn” của Pháp xây dựng phục vụ công cuộc khai thác thổ sản và mục đích chính trị ở An Giang. Không còn nghi ngờ gì nữa, vậy cách nói, viết “Nhà Bàng” tất nhiên không phù hợp, cần thống nhất lại “Nhà Bàn”!
Từ “Nhà Bàn” thành “Nhà Bàng” không loại trừ khả năng “tính dị bản” trong thói quen gọi tên, cách viết của nhiều người.

Thói quen tự ý viết, nói của người dân, các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến “tính dị bản” gây tranh luận vô cớ Nhà Bàn (gốc) – Nhà Bàng (bản sao). Việc viết sai này bởi các tác nhân:
 
- Nhầm lẫn từ “Bàn” – bàn làm việc (ăn, nghỉ…) và “bàng” trong “cỏ Bàng” và “cây Bàng” qua các tác động thông tin đại chúng khiến người dân “đánh đồng”, dẫn đến nói, viết sai: Nhà Bàn thành Nhà Bàng. Trường hợp tương tự: Cản Dừa – Cảng Dừa, Cù lao Giêng – Cù lao Ven (Den); Cần Tọt – Cần Giọt – Cần Giuộc, Mốp Văn – Mớp Văn…

 
- “Quy luật lây lan” trong lỗi kỹ thuật morasse (lỗi chính tả, in ấn) khiến Nhà Bàn thành Nhà Bàng làm không ít người tự tin nói, viết theo => nối tiếp từ sai đến sai. Ví dụ: Trong Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập “Thị trấn Nhà Bàng” làm cho đơn vị sở tại ghi – treo bảng hiệu “Hội đồng Nhân dân thị trấn Nhà Bàng”…; hoặc do trụ chỉ dẫn Km “Nhà Bàng” theo các tuyến lộ làm người dân, cơ quan chức năng khác “bắt chước” thành thói quen cố hữu. Thực ra thì Nhà Bàn mới đúng như giải thích ở trên!


 
Liêu Ngọc Ân