469 lượt xem

Tại sao gọi là Thất Sơn - Bảy Núi?

Trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức biên soạn trước năm 1820 không thấy đề cập đến địa danh “Thất Sơn”. Cho đến Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) của Quốc sử quán triều Nguyễn (bắt đầu biên soạn năm 1865), phần An Giang tỉnh mới có “Thất Sơn”. Dựa vào những tài liệu này, người ta đoán địa danh “Thất Sơn” ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX. Không có ý kiến tranh cãi về khoảng thời gian ra đời của địa danh “Thất Sơn”, chỉ là chưa xác định thời gian cụ thể. Riêng lý do vì sao vùng này có đến mấy chục quả núi nhưng chỉ gọi Thất Sơn - Bảy Núi thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Tiến sĩ Bùi Đạt Trâm khi viết phần Địa hình - Địa chí An Giang đã về tận vùng Bảy Núi để đếm. Ông ghi nhận trên địa bàn tỉnh An Giang ngày nay có đến 37 quả núi có tên gọi. Riêng vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên (vùng Thất Sơn) cũng có 27 núi. Trong các sách xưa, số lượng núi ở vùng này cũng vượt xa hơn con số “bảy”.

Gia Định Thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức mô tả núi non vùng đất An Giang xưa gồm 19 núi. ĐNNTC, phần tỉnh An Giang có mô tả 24 núi.

Theo kỹ sư Trần Anh Thư trong bài “Thất Sơn có từ bao giờ?” đăng trong tạp chí Phát triển nông thôn – số Xuân Canh Thìn năm 2000 – thì số “bảy” trong “Bảy Núi” liên quan đến bảy khối núi tại vùng Tri Tôn, Tịnh Biên ngày nay và điều này rất trùng hợp với tâm thức của người dân Nam Bộ “nam thất nữ cửu”, đã có “Cửu Long” ắt có “Thất Sơn” – âm dương mới hài hòa. Từ cách lý giải như trên, kỹ sư Thư cho rằng Thất Sơn gồm: núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Phú Cường, núi Nam Qui, núi Sam và khối núi Trà Sư (gồm núi Két, Trà Sư…). Còn vì sao người xưa chỉ chọn 7 núi thì kỹ sư Thư giải thích rằng tên gọi của 7 ngọn núi trong Thất Sơn đều là các con vật tín ngưỡng cao quí tượng trưng cho tầng lớp vua chúa, cung đình xưa: Rồng, Kỳ lân, Rùa, Phụng, Voi, Hổ… tương ứng với tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” và thế “Voi chầu, Hổ phục”, 6 ngọn núi với tên của 6 con vật quý này bao quanh, bảo vệ lấy Thiên Cấm Sơn là núi trung tâm.

Một cách lý giải khác mà tôi được nghe từ một lương y ở tại An Giang, cũng khá thú vị. Ông cho rằng, sở dĩ có Thất Sơn là vì đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung). Ông chứng minh rằng Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn núi mà tên gọi vẫn quy về “Ngũ Hành”, cũng như gọi “Thất Sơn” mà đến hàng chục quả núi! Cách đặt tên như vậy là dựa theo bảng giải mã Lạc Thư 3-5-7, đó là một dãy số dương nằm từ hướng đông sang tây. Cho nên, Tam Đảo – Ngũ Hành – Thất Sơn có ý nghĩa như một sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu.

Cũng có ý kiến cho rằng địa danh “Thất Sơn” ra đời từ chính các ông đạo ở vùng núi non này vào giữa thế kỷ XIX. Bấy giờ, tín ngưỡng Đạo Giáo có điều kiện xâm nhập, ăn sâu và phát triển ở Nam Bộ. Vùng núi non An Giang sớm trở thành nơi hội tụ của các bậc tu tiên. Có lẽ chính vì vậy mà phương ngữ Nam Bộ có câu “Tu Phật Phú Yên, tu Tiên Bảy Núi”. Đạo giáo quan niệm rằng hình hài núi non, sông bãi trên trái đất đều do các vì tinh tú trên trời quy định. Bảy Núi là biểu hiện của 7 vì tinh tú - Thất tinh: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ. Trở lại khoảng thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn” như trên đã nêu trên, đúng là tại vùng Thất Sơn bấy giờ có rất nhiều hoạt động mang màu sắc Đạo Giáo. Sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch (12 tháng 8 năm Bính Thìn - 1856), nhiều đệ tử của ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, thuyết này bị phản bác bởi vì sự tôn thờ Trời của Đạo Giáo thể hiện việc thờ Cửu diệu tinh quân, tức 9 vị tinh tú kỳ diệu, đó là: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Nam Tào và Sao Bắc Đẩu chứ không phải là Thất tinh. Vả lại, chưa thấy có nơi nào tại các vùng ảnh hưởng Đạo Giáo xem núi là tượng trưng của các vì sao.

Cách đây hằng nửa thế kỷ, một số nhà văn, nhà sưu khảo xem chừng cũng đã tốn không ít thời gian và công sức để giải thích cái địa danh có vẻ huyền bí này.
Theo xu hướng tôn giáo huyền bí, một số tác giả cho rằng số “bảy” trong “Thất Sơn” xuất phát từ ý nghĩa của con số “bảy” trong Khổng, Đạo, Phật. Số “bảy’ là số sanh hóa vô tận và tốt đẹp vô cùng. Trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca cho biết thế giới cực lạc là nơi hoàn toàn an vui, không còn có cảnh khổ. Cảnh trí cõi này rất đẹp, được làm bằng 7 thứ quí báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Đường sá, lầu các, cung điện. Gọi “Thất Sơn” là vì ý nghĩa tốt đẹp đó. Thất Sơn (Bảy Núi) – Dương và Cửu Long (Chín Rồng) – Âm, sơn tiền điểm long mạch, trong số bảy có sanh hóa; trong số chín, âm – dương kết tụ huờn hư là địa huyệt linh diệu vô cùng. Thất Sơn là Kim Thành Huyệt tương ứng với Cửu Long Huyệt hay Minh Đường Huyệt, là nơi âm dương hòa hợp - địa linh sanh nhân kiệt!

Tác giả Vương Kim trong một số bài viết còn cho rằng Thất Sơn là bảy hòn núi sắp theo hình của huyệt “tiên thiên” trong cơ thể con người, cho nên gọi là núi quí (Bảo Sơn - Bửu Sơn). Nếu đúng như thế thì địa danh “Thất Sơn” có lẽ xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương? Nhà văn Hồ Biểu Chánh thì không giải thích con số “bảy” mà cho biết Thất Sơn gồm các núi; Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm. Riêng về tên gọi núi Cấm, ông giải thích đó là tên mà nhân dân địa phương gọi chung cho mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa bao gồm các núi Ba Xoài, Ngất Sung (Ngất Sum), Nam Vi, Đoài Tốn (Đài Tốn).
Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Hầu cũng có cùng lời giải đáp như Hồ Biểu Chánh. Ông còn cho biết có một nhà khảo cứu người ngoại quốc cũng thừa nhận Thất Sơn gồm những núi như Hồ Biểu Chánh đã viết.

Năm 1984, Trần Thanh Phương viết cuốn Những trang về An Giang cho rằng Thất Sơn bao gồm các núi: Núi Nước (Bích Thủy Sơn, Thủy Đài Sơn), núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Ô Thước Sơn, Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngoạ Long Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, Bạch Hổ Sơn), núi Năm Giếng (Giài Năm Giếng, Ngũ Hồ Sơn) và núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Nhân dân sở tại cũng liệt kê tên gọi của các núi thuộc Thất Sơn giống như trong sách của Trần Thanh Phương. Có lẽ khi thực hiện Những trang về An Giang, tác giả đã về vùng Thất Sơn sưu tầm tư liệu từ dân gian.


 
Nguyễn Kim Nương