Tri Tôn là một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh An Giang. Và địa danh Tri Tôn có nghĩa là gì?
Tri Tôn có dạng gốc theo phát âm của người Kinh là Xà Tón, một hình thức mượn từ tố gần âm có sẵn trong tiếng Việt. Theo Trương Vĩnh Ký thì Tri Tôn có dạng gốc là Sva Téanh Sva Tôn, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa nơi đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đang có một sự nhầm lẫn. Qua khảo sát thực địa và tìm hiểu từ những bậc lớn tuổi ở Tri Tôn và một số cán bộ (người Khmer) công tác ở ngành văn hóa địa phương, chúng tôi thấy cần phân biệt rõ ràng giữa hai tổ hợp từ: Sva Tong (Sva: “khỉ”; Tong: “níu kéo”) và Svay Tôn (Svay: “xoài”; Tôn: “dây/cuống”). Như vậy, chùa Xà Tón tức Xvayton/Svayton, nghĩa là “xoài dây”, xuất phát từ lịch sử xây dựng chùa.
Chùa được xây trên nền đất giữa rừng, có một cây xoài vươn cao hơn những cây khác để tìm ánh sáng, vì vậy trông nó giống như dây leo hơn là cây thân gỗ, rất khác so với những cây còn lại, người ta cho đó là điều linh thiêng, do vậy các sư chọn nơi này dựng chùa và lấy yếu tố này để đặt tên chùa. Ngày nay, cây xoài dây không còn nữa, chỉ được truyền khẩu trong chùa.
Việc lấy tên chùa để gọi tên vùng đất xung quanh là rất dễ hiểu đối với người Khmer. Khi đến sống ở vùng đất mới, bao giờ họ cũng chọn nơi đất cao ráo, có nhiều yếu tố tốt, linh thiêng để cất lên một ngôi chùa trước tiên, sau đó mới lập làng (phum, sóc). Ví dụ: chùa Svay So “xoài trắng” (chùa Soài So), do chỗ này có mọc nhiều cây xoài trắng nên người Khmer chọn làm nơi xây dựng chùa. Xoài trắng là giống xoài lạ, có giả thuyết cho là cành lá nó cũng bình thường như những cây xoài khác, nhưng trái xoài thì màu trắng. Một giả thuyết khác lại cho rằng: đúng là cành lá nó cũng bình thường nhưng hạt chiếm 95% quả, vỏ màu xanh, cơm màu trắng, ngày nay không còn trồng ở Tri Tôn nữa vì nó không kinh tế và rất kén độ cao. Giống xoài này vẫn còn được trồng ở Campuchia.
Vậy, Tri Tôn có từ gốc là Svay Tôn, nghĩa là “xoài dây” chứ không phải là khỉ đeo hay khỉ níu kéo.
Huỳnh Công Tín