Lập mưu bắt Hàn Tín
Năm 203 TCN, đại tướng Hàn Tín kéo quân vào chiếm nước Tề, tự lập làm Tề vương, sai sứ thông báo với Lưu Bang. Lúc này Lưu Bang lại bị Hạng Vũ vây khốn ở Huỳnh Dương lần thứ hai. Khi sứ giả của Hàn Tín đến xin cầu phong tước vương, Lưu Bang cả giận vì Hàn Tín không chịu mang quân cứu. Trần Bình vội giẫm lên chân Lưu Bang để nhắc nhở. Lưu Bang tỉnh ngộ, bèn sai Trương Lương về phía đông, đồng ý phong vương cho Hàn Tín Sau đó, Lưu Bang phong cho Trần Bình thức ấp ở làng Hộ Dũ.
Năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại quân của Hạng Vũ lên ngôi xưng đế. Tháng 7 năm 202 TCN, Trần Bình theo Lưu Bang đánh nước Yên, dẹp được Yên vương Tạng Đồ.
Năm 201 TCN, có người dâng thư nói Hàn Tín làm phản, các tướng đề nghị khởi binh đi đánh. Trần Bình can không nên dùng binh vì Hàn Tín giỏi quân sự, Lưu Bang không thể thắng, mà nên giả vờ đi chơi đến đầm Vân mộng, họp chư hầu ở đất Trần; Hàn Tín ở gần đó sẽ phải đến nghênh tiếp, có thể nhân đấy bắt sống.
Lưu Bang nghe theo, quả nhiên bắt sống được Hàn Tín, giáng làm Hoài Âm hầu
Lưu Bang phong cho Bình đời đời làm Hộ Dũ hầu, ông đề nghị Lưu Bang thưởng cho Ngụy Vô Tri là người tiến cử ông. Lưu Bang bèn trọng thưởng cho Vô Tri.
Nguồn: Sưu tầm
Kế lạ cứu vua
Năm 201 TCN, quân Hung Nô kéo quân đánh nhà Hán, Hàn vương Tín đầu hàng
Năm 200 TCN, Cao Đế đem quân đánh Hung Nô, bị quân Hung Nô đánh bại một trận lớn ở Bạch Đằng và bị vây khốn ở Bành Thành trong 7 ngày. Quân sĩ mệt mỏi sắp không thể chịu nổi thì Trần Bình hiến kế với Cao Đế sai sứ tặng cho Yên Chi hoàng hậu của vua Hung Nô một bức tranh vẽ người con gái đẹp nhất Hán quốc mà Lưu Bang định tặng vua Hung Nô để xin giảng hòa, Yên Chi nổi cơn ghen tác động thiền vu Mặc Đốn lui binh. Quân Hán được giải vây.
Không lâu sau, Cao Đế tuần thu ở Khúc Nghịch, thấy phong cảnh đông đúc, bèn đem phong 5000 hộ ở đấy cho Trần Bình, hiệu là Khúc Nghịch hầu, bỏ đất phong trước đây của ông là Hộ Dũ.
Bắt Phàn Khoái
Những năm tiếp theo, Trần Bình tiếp tục tham gia các chiến dịch dẹp loạn Trần Hy, Anh Bố, sáu lần bày kế cho Cao Đế, đều thành công và được thưởng công bằng việc nâng thêm phong ấp. Tuy nhiên các kế của ông rất bí mật, người đời sau không ai biết.
Năm 195 TCN, Yên vương Lư Quán làm phản, Hán Cao Đế đang bị bệnh, sai Phàn Khoái đánh dẹp. Sau có người gièm pha Phàn Khoái muốn tạo phản, Lưu Bang sai Trần Bình và Chu Bột đánh Phàn Khoái, dặn khi vào cứ chém đầu Khoái không cần tâu trước. Trần Bình cùng Chu Bột đến trại Phàn Khoái, bắt được Khoái, nhưng Trần Bình biết Hán Cao Đế sắp mất rồi, mà Phàn Khoái lại có vợ là Lã Tu, em gái Lã hậu, nếu giết Khoái e Lã hậu sẽ oán mình, nên chỉ bãi chức Phàn Khoái và một mình áp giải về Trường An, để Chu Bột ở lại tiếp tục bình định đất Yên.
Đang trên đường về, Bình nghe tin Cao Đế đã chết, Huệ Đế nối ngôi, bèn phi ngựa về kinh trước, bỏ xe tù và Phàn Khoái phía sau. Lã Thái hậu ban chiếu cho Trần Bình đóng ở Huỳnh Dương. Ông nhận chiếu, nhưng sau đó lại nhanh chóng về Trường An khóc tang Cao Đế. Lã hậu có ý thương, phong làm Lang Trung lệnh, ra lệnh dạy dỗ Huệ Đế. Còn Phàn Khoái sau đó được xá miễn và phục tước.
Thời Huệ Đế, Cao hậu
Nịnh họ Lã, cứu họ Lưu
Năm 189 TCN, thừa tướng Tào Tham qua đời, Lã Thái hậu phong Vương Lăng làm Hữu Thừa tướng ngôi thứ nhất, Trần Bình làm Tả Thừa tướng ngôi thứ hai. Sang năm 187 TCN, Hán Huệ Đế băng hà, Lã hậu lập Thiếu Đế lên ngôi, lại muốn phong cho thân thích họ Lã làm vương, bèn hỏi Vương Lăng. Lăng can gián đến cùng. Thái hậu hỏi Trần Bình và Chu Bột, hai ông lựa lời nói thuận theo để vừa lòng Lã hậu.
Lã hậu bằng lòng. Vương Lăng do đó trách cứ Trần Bình và Chu Bột. Trần Bình nói
Hôm nay bẻ thái hậu trước mặt, can gián giữa triều đình thì chúng tôi không bằng ông. Nhưng việc bảo toàn xã tắc, giữ vững cho con cháu họ Lưu thì ông sẽ không bằng chúng tôi
Tháng 11 năm đó, Lã hậu bãi chức Vương Lăng, đổi làm Thái phó cho Thiếu Đế nhưng không có thực quyền, rồi đổi Trần Bình làm hữu thừa tướng, Thẩm Tự Cơ làm Tả thừa tướng. Sau đó, Lã hậu tôn cha mình là Lịch hầu làm Lã Điệu Vũ vương, lập anh mình là Lịch hầu Lã Thai làm Lã Túc vương, sau đó giết chết nhiều vương chư hầu họ Lưu để lập họ Lã lên thay.
Em Thái hậu là Lã Tu, cũng là vợ Phàn Khoái, hận việc trước đây Trần Bình bàn mưu với Cao Đế để giết Khoái, thường gièm pha ông háo sắc và thích uống rượu trước mặt thái hậu. Trần Bình thấy vậy càng làm dữ hơn trước. Thái hậu chẳng những không giận mà còn mừng rỡ, khuyên ông đừng để ý đến những lời của Lã Tu.
Dẹp loạn họ Lã.
Năm 180 TCN, Lã Thái hậu mắc bệnh nặng, bèn sai Triệu Vương Lã Lộc làm thượng tướng quân, coi cánh quân ở phía bắc, Lã Vương Sản coi cánh quân phía nam để đề phòng các đại thần lật đổ họ Lã sau khi bà qua đời. Rồi phong Lã Sản làm thừa tướng, lấy con gái Lã Lộc làm Hoàng hậu cho Thiếu đế để tăng cường vây cánh.
Cùng năm đó, Lã Thái hậu qua đời, các đại thần và tôn thất họ Lưu bắt đầu nổi dậy. Chu Khư hầu Lưu Chương còn Điệu Huệ vương nước Tề, cháu nội Cao Đế muốn đánh họ Lã để lập anh mình là Tề vương Lưu Tương làm thiên tử, bèn xin Tề Vương đem binh về hướng tây giết họ Lã mà làm vua, Chư Chư hầu và Đông Mưu hầu Hầu cùng các quan đại thần sẽ làm nội ứng.
Trước sức mạnh của quân Tề, thừa tướng Lã Sản sai Quán Anh cầm binh đánh dẹp, nhưng Quán Anh lại bàn với quân lính, đóng binh ở Huỳnh Dương, và sai sứ đến phía đông liên kết với Tề vương, dự định khi họ Lã làm biến sẽ tiêu diệt.
Trần Bình bàn với Chu Bột, thấy người con của Khúc Chu Hầu Lịch Thương là Lịch Ký thân với Lã Lộc, bèn ép Lịch Thương bảo con đến nói với Lã Lộc nếu ở lại kinh cầm binh sẽ bị nghi ngờ, chi bằng trao ấn cho Thái úy mà về nước Triệu. Nội bộ họ Lã biết việc ấy, nhưng chưa dứt khoát quyết định. Lã Tu biết được mưu đồ đó, không đồng ý.
Lã Lộc và Lã Sản quyết định phát động binh biến nhưng lại do dự. Nhưng cùng lúc Chu Bột bảo tướng Kỷ Thông cầm cờ tiết giả làm lệnh hoàng đế trao cho mình cầm đầu đạo quân phía bắc rồi ra lệnh cho Lịch Ký và Lưu Yết tới thuyết phục Lã Lộc lần nữa. Lã Lộc nghe theo, trả tướng ấn lại, giao cho Chu Bột cầm quân. Chu Bột nắm được đạo quân phía nam. Trần Bình sai Chu Khư hầu đến giúp Chu Bột, giết được Lã Sản ở cung Vị Ương, diệt tộc họ Lã, lập Đại vương Hằng lên ngôi Hán Văn Đế. Trần Bình lập được công to trong sự biến này.
Thời Văn đế.
Văn Đế lên ngôi, Trần Bình thấy Chu Bột có công chỉ huy quân sĩ lật đổ họ Lã, muốn nhường địa vị tôn quý cho Bột, bèn cáo bệnh. Văn Đế đồng ý, phong Bột làm Hữu Thừa tướng, còn Bình làm Tả thừa tướng ngôi thứ hai, lại ban cho ông 1000 cân vàng và phong ấp thêm 3000 hộ, nâng tổng số thực ấp của Trần Bình lên vạn hộ.
Nhưng Chu Bột chỉ là tướng giỏi việc quân sự không quen việc hành chính. Khi bị Hán Văn Đế trách, Chu Bột thẹn cáo bệnh xin từ chức, để một mình Trần Bình làm thừa tướng.
Hậu duệ
Năm 178 TCN, Trần Bình qua đời, thụy là Khúc Nghịch Hiến hầu. Con là Trần Mại nối tước, tức Cung hầu, hai năm sau thì mất, con là Trần Khôi nối tước, tức Giản hầu, 23 năm sau thì mất. Con Khôi là Hà nối tước. Năm 130 TCN, Hà phạm tội cướp vợ người khác nên bị chém ở chợ, tước vị xóa bỏ
Lúc sinh thời, Trần Bình từng nói:
Ta nhiều âm mưu, trong Đạo gia kiêng kị điều đó. Phú quý mà ta có, hết đời ta là thôi, đời sau không thể hưng khởi được nữa, đó là vì ta nhiều âm báo.
Về sau chắt ông là Trần Chưởng, sống vào thời Hán Vũ Đế. Lúc đó họ Vệ được sủng ái. Sau đó người chắt là Trần Chưởng nhờ bên họ ngoại nhà vua là họ Vệ, muốn họ Trần được phong lại, nhưng cuối cùng cũng không được.
Nguồn: Wikipedia