271 lượt xem

Trương Quốc Dụng

Trương Quốc Dụng - Danh tướng, nhà văn hoá lớn

Trương Quốc Dụng là một đại thần, tài kiêm văn, võ, làm quan dưới triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, quê ở Thạch Khê - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Ông được người đời biết đến là một nhà nho khí tiết, một trí thức toàn tài, một nhà khoa học, một vị tướng giỏi. Cuốn sách xuất bản với mong muốn "bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn về một đại danh thần văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn, một nhà văn hoá lớn của Việt Nam thế kỷ XIX.

Phần 1. Trương Quốc Dụng - thân thế và sự nghiệp như một khái lược để trả lời cho câu hỏi chung nhất: Trương Quốc Dụng là ai? Trong đó, để thuyết phục người đọc, các soạn giả đã trích in các tác phẩm uy tín của người xưa, gồm: Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 29 nói về tiểu sử; Quốc sử quán triều Nguyễn nói về niên biểu; văn bia mộ Trương Quốc Dụng tại đền thờ ở Thạch Khê nói về những cống hiến.

A person wearing a garmentDescription automatically generated with low confidence

Nguồn: Sưu tầm


Vì thế, một mặt, các văn bản có văn phong súc tích, cô đọng, phù hợp với nếp nghĩ, cách diễn đạt của người xưa; một mặt đảm bảo tính xác thực, làm bật nổi được những cống hiến của hiền tài Trương Quốc Dụng.
Có thể dẫn trích những đoạn nói về nỗi niềm ưu quốc ái dân: "ông từng dâng vua lời nói thẳng về nỗi đói khổ của dân, thực trạng khó khăn của đất nước, phải tiết kiệm tiền của, giảm nhẹ thuế khoá, chống xa hoa lãng phí, tăng cường pháp trị, cải cách dạy học thi cử, chọn lọc quan lại các cấp, sử dụng người tài".
Phần 2: Trương Quốc Dụng - văn thơ. Trong phần 2, cuốn sách chia làm ba phần: Tổng quan văn bản thơ văn Trương Quốc Dụng và in các tác phẩm thuộc hai thể loại văn, thơ đã được dịch.

Tác phẩm của Trương Quốc Dụng cũng như của cha ông nói chung, cho đến nay còn lại không nhiều, do thời gian, hoả hoạn, binh đao, đa phần các trước tác của các tên tuổi thường không được lưu giữ đầy đủ.

Số lượng tác phẩm của Trương Quốc Dụng, theo nhóm làm sách, hiện tại còn các tác phẩm viết bằng chữ Hán: Thoái thực ký văn, Trương Nhu thi tập, Bản tấu về quy cách thể văn chiếu, biểu, Bài bình, văn thi đình; Bài văn sách khi thi Hội; Bức mật thư gửi vua Thiệu Trị, cuối năm Đinh Mùi; Bài thơ đề núi Dục Thuý...; và các tác phẩm bằng chữ Nôm, chủ yếu theo thể ca trù: Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc; Trung thu vọng nguyệt, Động Đào Nguyên; Kỳ động vịnh. Ngoài ra, Trương Quốc Dụng còn tham gia hiệu duyệt và biên soạn một số cuốn sách có giá trị: Chiếu biểu luận thức; Lục tuyển kim cổ tứ lục văn sách. Trong số các tác phẩm nêu trên, có nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó nổi bật nhất là Thoái thực ký văn.

Thoái thực ký văn có 8 quyển: phong vực, chế độ (2 quyển), nhân phẩm, cổ tích, trưng kỳ, tạp sự, vật loại, hiện chỉ mới dịch được 5 quy?n. Tác phẩm là kết quả của những gì "tai nghe mắt thấy, cùng là được các bậc học giả chuyện trò, dưới đến các chuyện thường trong thôn xóm, về cương vực Nhà nước, các nhân vật, sự vật, điều gì có thể tham khảo được thường ghi lên trên giấy" (Trương Quốc Dụng). Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Lợi, Hoàng Văn Lâu trong bài giới thiệu cho bản dịch, đã khẳng định: "Một bộ sách của một người như thế viết ra, đứng về mật văn học, tự nó có cái giá trị đáng bảo tồn". Và, hãy lục tìm trong tác phẩm để hiểu biết về những địa danh (Đèo Ngang, Núi Mẹ Con, Núi Độc Tôn, Tháp Tụ Chàng...), những huyền sử (Lê Thánh Tông, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Cầm Hồ...), những tên tuổi (Cương Quốc Công, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Hãn:..), hay những lời đúc kết, khuyên dạy về văn thơ: "Tuy là một nghề văn chương mà nhân phẩm hơn kém. (...) Cho nên làm thơ văn phải lấy ôn hậu, hoà bình làm chủ mà kiêng kị những câu phù bạc lãnh đạm. Tập làm những câu ôn hậu hoà bình thì đạo dưỡng được linh tính dần dần đến thuần thục; tập làm những câu phù bạc lãnh đạm lâu rồi quen tính không biết lấy trung hòa khí thì sự lầm lạc càng xa lìa mãi".


Phần 3. Trương Quốc Dụng trong lòng người Việt xưa nay, tập hợp những văn bản từ di tích, di văn, các bài viết ngày nay. Về phần di tích, di văn các soạn giả lấy những câu đối, văn bia, sắc phong, hoành phi - đại tự ở đền thờ thuộc xã Thạch Khê và đền Quan Đại ở La Khê (Tiên An - Quảng Ninh); in các trướng mừng, ngự chế của nhà vua, bản thúc ước của Trương Quốc Bảo.
Các bài viết ngày nay về Trương Quốc Dụng, đó đây, trên các tạp chí, đã xuất hiện khá nhiều đặc biệt Tạp chí văn hoá Nghệ An giành hẳn một số ra để tưởng nhớ Trương Quốc Dụng. Cuốn sách tập hợp cơ bản đầy đủ các bài viết và bổ sung những bài viết khác. Trong số đó nổi lên những bài viết đáng chú ý của: Nguyễn Đồng Chi, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Văn Giáp, Hoàng Thạch Hà, Từ điển Văn học (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá).

Từ đó, người đọc có một sự hiểu biết nhất định về con người, sự nghiệp của Trương Quốc Dụng; đồng thời, những ai ưa tìm hiểu những danh nhân, hiền tài đều có thể có căn cứ, có tư liệu để khai thác tiếp những đóng góp của Trương Quốc Dụng, đặc biệt là các tác phẩm thơ văn, vì các tác phẩm này vẫn còn ít người phân tích, giải mã.


Cuối cùng, cuốn sách khép lại ở phần phụ lục với tên gọi Các văn bản gốc chữ Hán, độ dày 583 trang... Bài báo này chỉ đơn thuần giới thiệu một cuốn sách quý, qua đó thấy rõ nỗi niềm canh cánh lo cho quốc thái dân an của bậc đầu triều, giúp vua "chăn dân, trị nước"; từ đó tự hào về truyền thống lịch sử, bồi đắp thêm tình cảm yêu nước trong thời kỳ hiện đại.

Tổng hợp: SGT Group