Truyền thống An cư mùa mưa (Vassavàsa) của Phật giáo Nam tông
Ở Việt Nam có khoảng 500 chùa Nam tông Khmer với số lượng chư Tăng khoảng 15.000 vị. Riêng các chùa Nam tông người Kinh thì có khoảng 60 chùa, 300 vị Tăng và 200 vị Tu nữ. Chư Tăng chùa nào an cư tại chùa đó, chỉ có một số ít là có tổ chức an cư tập trung như chùa Phước Sơn (Đồng Nai), chùa Siêu Lý (Vĩnh Long), chùa Huyền Không (Huế).
Chư Tăng Phật giáo Nam tông Việt Nam (người Kinh và người Khmer) cũng như chư Tăng Nam tông ở các nước Phật giáo theo truyền thống Theravàda trên thế giới như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Lào... đều có chung một thời gian an cư là 16/6 ÂL đến 15/9 ÂL, còn gọi là Tiền An cư (purimika vassùpanàyika). Nếu như vì lý do nào đó không thể phát nguyện nhập hạ Tiền An cư thì chư Tỳ kheo có thể nhập hạ trong thời gian Hậu An cư (pacchimikà vassùpanàyika) thời gian từ 16/7 ÂL đến 15/10 ÂL. Ðến thời kỳ an cư mà Tỳ kheo cố ý không nhập hạ thì phạm tội Tác ác (dukkata). Những Tỳ kheo nhập hạ trong thời Hậu An cư thì không được hưởng quả báu Kathina.
Vassavàsa là tiếng Pali. Vassa nghĩa là mưa, mùa mưa, Vàsa nghĩa là sự cư ngụ. Như vậy, Vassavàsa là An cư mùa mưa. Đồng thời chư Tỳ kheo sẽ tập trung thời gian này cho việc hành đạo, nhất là tu tập Thiền định, thực hành Bát Chánh Ðạo, con đường giải thoát.
Ðến ngày an cư, Tỳ kheo phải tìm trú xứ thích hợp để nguyện nhập hạ, địa điểm an cư có thể là ngôi chùa (àràma), ngôi tịnh xá (vihàra), một chỗ ở thích hợp (àvàsa), hay tịnh thất (senàsana). Tỳ kheo dự dịnh nhập hạ ở đâu thì phải nguyện an cư ở đó. Vào ngày hoặc đêm 16/6 ÂL (Tiền An cư), hay 16 /7 ÂL (Hậu An cư), Tỳ kheo nhập hạ phải phát nguyện một mình hoặc phát nguyện chung với các Tỳ kheo khác.
Sau khi đã phát nguyện an cư mùa mưa, Tỳ kheo ấy phải nhập hạ tại nơi ấy trong 3 tháng không được rời khỏi. Trong trường hợp đặc biệt như cha mẹ, thầy tổ bị đau bệnh hay viên tịch, hoặc có Tăng sự quan trọng, hoặc có thí chủ thỉnh đi làm những Phật sự cần thiết, thì Tỳ kheo nhập hạ phải xin nguyện tạm thời rời trú xứ an cư nhưng không được quá bảy ngày.
Chư Tỳ kheo theo truyền thống Nam tông đến ngày an cư mùa mưa đều phải phát nguyện nhập hạ, dù ở nơi đó có tổ chức trường hạ hay không. Thậm chí chỉ có một mình, Tỳ kheo ấy cũng phải nguyện nhập hạ đúng phép.
Trường hạ chùa Siêu Lý và chùa Huyền Không chủ yếu là tu tập, tu học về Pháp học, trường hạ chùa Phước Sơn thì đặt nặng về tu Thiền Tứ niệm xứ. Các ngôi chùa khác ngoài những thời khóa tu tập hàng ngày như thường lệ còn tăng cường thêm giờ hành Thiền và nghiên cứu kinh điển. Ðặc biệt năm nay, Phật giáo Nam tông người Kinh có tổ chức cho toàn hệ phái sinh hoạt tập trung 3 kỳ trong mùa An cư kiết hạ tại Tổ đình Bửu Quang, Thủ Đức.
Trú xứ an cư là vùng đất an lành sẽ giúp cho Tăng Ni thở được mùi thơm của cơn gió Giới-Ðịnh-Tuệ. Tu tập tích cực trong mùa An cư, Tăng Ni sẽ dần dần vén được bức màn vô minh ái dục, những cây chánh niệm của rừng xanh, tâm linh sẽ đâm chồi nẩy lộc, những dòng suối trí tuệ sẽ tung tăng nhảy múa, trái tim từ bi sẽ từng nhịp thở thật thà. Nhờ có sự an cư kiết hạ mà chư Tăng Ni mới làm cho Phật pháp được sống còn, vì có an cư kiết hạ mà Giới, Ðịnh, Tuệ mới có điều kiện phát huy. Nơi nào còn Giới, Ðịnh, Tuệ, nơi đó mới còn Phật pháp.
Ðức Phật dạy trong Trung Bộ, bài kinh "Thừa tự Pháp" như sau: "Dhammadàyàda me bhikkhave bhavatha mà ámisadàyàdà bhavatha" (Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của ta, đừng là kẻ thừa tự tài vật).
An cư mùa mưa là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo nói chung và của Phật giáo Nam tông nói riêng. Mùa nhập hạ giúp cho người con Phật tự nhìn lại chính mình.
Mùa an cư kiết hạ giúp cho chư Tăng Ni có thời gian để tự nhìn vào tấm thân ngũ uẩn phù du giả tạo vô thường sanh diệt này, chẳng khác nào một cánh nhạn giữa sớm tinh sương, một cơn gió thoảng, một áng mây trôi, cái hiện hữu chỉ là trong nháy mắt.
An Cư Kiết Hạ
Hỏi: Xin cho biết về duyên khởi và ý nghĩa của an cư. Vì sao có sự khác nhau về thời điểm an cư giữa hai truyền thống Nam tông và Bắc tông?
Đáp: An cư, Phạm ngữ Varsa, Pàli ngữ Vassa, hán dịch là Vũ kỳ, Hạ an cư, Kiết hạ, Toạ hạ, Cửu tuần cấm túc… An cư có nghĩa: "Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an, đến thời gian quy định phải ở yên một nơi gọi là cư" (Nghiệp sớ, q4).
Nhân duyên Phật thiết định an cư, theo Đại phẩm, chương Vào mùa mưa: Lúc Thế Tôn trú tại thành Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm (Luật Tứ phần, q37, ghi Thế Tôn trú tại Xá Vệ, tinh xá Kỳ Viên), bấy giờ việc an cư mùa mưa chưa được Thế Tôn quy định cho các Tỷ kheo. Có một số Tỷ kheo du hành trong mùa mưa, dân chúng phàn nàn, chê bai rằng: "Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hàng năm vẫn có ba tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử thì lại du hành trong mùa mưa. Các vị ấy đang giẫm đạp lên cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống các loài côn trùng".
Các Tỷ kheo khác nghe được những lời chê bai ấy đem trình lên Thế Tôn. Nhân sự việc này, Phật dạy: "Này các Tỷ kheo, phải an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm an cư. Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Àsàlha, thời điểm sau là vào ngày sau ngày trăng tròn của tháng sau.
Này các Tỷ kheo, trong ba tháng mùa an cư không nên du hành. Vị nào đi ra ngoài (nếu không có lý do chính đáng) thì phạm Dukkata (Phá an cư)".
Ngoài ra, theo luật Ngũ phần, q19; Ma ha Tăng kỳ, q27; Thập tụng, q24… ghi nhận về duyên khởi của truyền thống an cư, đại thể cũng tương đồng với Đại phẩm và luật Tứ phần.
Về ý nghĩa an cư, qua phần duyên khởi, trước hết an cư là một truyền thống chung cho mọi Sa môn, Bà la môn của các tôn giáo thời bấy giờ. Mặt khác, dù khi Phật chưa ban hành luật an cư nhưng đa phần các Tỷ kheo vẫn ở cố định trong những tháng mùa mưa. Do vậy, ngoài việc tôn trọng truyền thống, hạn chế sự giẫm đạp côn trùng, an cư mùa mưa là thời gian thích hợp nhất để nỗ lực tu tập thiền định, phát triển tâm linh và chứng đạt các Thánh quả. Mặt khác, an cư còn mang ý nghĩa quan trọng về xây dựng đời sống hoà hợp trong Tăng đoàn đồng thời cũng là dịp để hàng cư sĩ gần gũi, nương tựa chư Tăng học tập giáo pháp và tu tạo phước điền.
Thời điểm an cư, các kinh luật đều đồng nhất vấn đề khởi sự an cư tính từ ngày đầu tiên (trăng tròn) của tháng Àsàlha (hay A sa đà – Ashadha-Phạn). Tháng Asàlha chính xác là thời điểm trong khoảng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 dương lịch. Truyền thống Phật giáo Nam tông xác định ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16 tháng 6 âm lịch. Do đó, Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 âm lịch.
Tuy vậy, theo ngài Huyền Trang (Tây Vực ký) và ngài Pháp Hiển (Nam hải ký quy nội pháp truyện) thì ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc. Vấn đề là Phật giáo Bắc tông dù đã xác định ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc nhưng thực tế thì an cư lại bắt đầu từ 16 tháng 4. Để giải thích điều này, có thể là do ảnh hưởng của kinh Vu Lan, quy định ngày rằm tháng 7 là ngày tự tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16 tháng 4 (Thích Trí Thủ - Yết ma yếu chỉ, Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, tr.258). Ngày nay, an cư bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 là truyền thống của Phật giáo Bắc tông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù theo bất cứ truyền thống nào (16-4 Bắc tông hay 16-6 Nam tông) thì vẫn xảy ra trường hợp đến thời điểm quy định an cư theo truyền thống nhưng tại một số địa phương hoặc quốc gia không phải là thời điểm của mùa mưa. Do đó, nếu cứ vào nguyên tắc "an cư mùa mưa" thì truyền thống nào cũng có những bất cập nhất định.Vì vậy, nếu tôn trọng truyền thống và nhất là xác định mục đích chính yếu của an cư để trưởng dưỡng và trau dồi giới định tuệ thì vấn đề thời điểm an cư dù có sự khác biệt giữa các truyền thống song không quan trọng bởi phận sự an cư ba tháng trong năm của một Tỳ kheo vẫn được chu toàn.
Nguồn: giacngo.vn