334 lượt xem

Đặc trưng văn hóa trong địa danh tỉnh Khánh Hòa

Không gian văn hóa thể hiện qua các yếu tố ngôn ngữ trong địa danh

     Địa danh chứa đựng nhiều phương diện văn hóa khác nhau trong đó có không gian văn hóa. Không gian văn hóa của địa danh được thể hiện qua các khía cạnh như: đặc điểm địa hình tự nhiên, thế giới động vật, thế giới thực vật gắn với vùng đất chứa địa danh. Chúng tôi sẽ tìm hiểu không gian văn hóa của địa danh Khánh Hòa dựa vào những khía cạnh đã nêu trên.

     Sự phản ánh đặc điểm địa hình tự nhiên: Về địa thế, Khánh Hòa như một đất nước Việt Nam thu nhỏ, bởi Khánh Hòa vừa có núi cao, biển thẳm, sông ngòi chằng chịt, thung lũng, đồng bằng, dải cát ven biển, đảo và bán đảo, vũng, vịnh, đầm phá… Đặc điểm tự nhiên này được phản ánh vào trong mỗi địa danh rất chân thực. Vùng núi với địa hình có hình dáng phong phú mô phỏng theo hình dáng của các con vật như núi Cổ Mã, núi Ổ Gà, núi Phượng Hoàng… Địa danh có kích thước đa dạng như cửa Dài, cửa Bé, cửa Hẹp, cửa Lớn; có địa hình kiến tạo cụ thể và chi tiết như núi Đá Đen, dốc Đá Trắng… Địa danh cũng đồng thời phản ánh vị trí và phương hướng của đối tượng được định danh, các địa danh ở Khánh Hòa phác họa bức tranh địa hình tự nhiên và định vị không gan cư trú của cư dân trên chính địa hình đó như hòn Nội, hòn Ngoại; phường Cam Phúc Bắc, phường Cam Phúc Nam,… Rõ ràng, sự phản ánh địa hình qua địa danh có tính chất hệ thống và rõ ràng hơn nhờ các ý niệm không gian qua các yếu tố “đông, tây, nam, bắc, nội, ngoại, thượng, hạ”. Bên cạnh đó địa danh cũng phản ánh màu sắc của môi trường tự nhiên. Qua các địa danh, chúng tôi nhận thấy sự tri nhận trực tiếp về màu sắc của cư dân bản địa như hòn Đỏ (Ninh Hòa), hòn Khô Đen (Vạn Ninh), hòn Son (Nha Trang), bến Nước Vàng (Nha Trang)…

     Sự phản ánh tên các loài thực vật có trên địa bàn cư trú: Chủ thể định danh dùng tên cây cỏ để đặt địa danh bởi thực vật là yếu tố tự nhiên gần gũi với con người. Thông qua địa danh, chúng ta có thể nhận biết được các loài thực vật có trên vùng đất chứa địa danh. Cách dùng tên thực vật để định danh là một nét văn hóa riêng trong lối định danh của cư dân bản địa. Đó có thể là những thực vật vô cùng gần gũi với nhân dân địa phương như dốc Chanh (Ninh Hòa), dốc Quýt (Khánh Sơn), đèo Quýt (Ninh Hòa), cồn Chuối (Nha Trang), cồn Dừa Ngọc Thảo (Nha Trang), gò Bông (Nha Trang), gộp Cây Gạo (Diên Khánh),… Đặc biệt địa danh Nha Trang cũng là kết quả của sự phản ánh tên thực vật tồn tại trên địa bàn. Về nguồn gốc, Nha Trang là cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm là Ýa Trang nghĩa là sông Lau – nguyên là tên cổ của sông Cái Nha Trang, từ tên sông sau chỉ rộng ra cả một vùng đất.

     Sự phản ánh tên các loài động vật có trên địa bàn cư trú: Tương tự như kiểu định danh theo tên các loài thực vật có trên địa bàn, các đối tượng địa lý được gọi tên theo tên các loài động vật cũng khá quen thuộc và gần gũi với đời sống nhân dân Khánh Hòa. Qua thu thập và thống kê, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tồn tại những địa danh phản ánh tên các loại động vật như: đồng Bò (Nha Trang), đồng Trăn (Diên Khánh), gò Dê (Nha Trang), gộp Gà Mổ (Nha Trang), hóc Chim (Khánh Sơn), núi Beo (Ninh Hòa), đảo Cá Voi (Vạn Ninh), đảo Yến (Nha Trang),… Ngoài ra, chủ thể còn định danh đối tượng bằng các từ Hán Việt để chỉ linh vật gắn bó với đời sống tâm linh và ước vọng của người dân địa phương như đèo Phụng Hoàng, núi Cảnh Long – người địa phương gọi là Thanh Long hý thủy (thủy là nước – là tượng trưng cho tiền tài) mang ý nghĩa lạc quan về tiền tài như nước cho vùng đất. Nhìn chung, cách đặt tên cho địa danh theo tên các loài động vật thể hiện cách cảm nhận trực tiếp đậm đà màu sắc dân gian và gắn với thực tiễn lao động sản xuất của nhân dân Khánh Hòa.

Sự phản ánh các giá trị văn hóa lịch sử của địa danh Khánh Hòa

     Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi tên sông, tên suối, tên núi, tên làng ở Khánh Hòa đều mang những dấu ấn của văn hóa và lịch sử. Vì thế, khi nghiên cứu địa danh, chúng ta có thể biết được các biến cố, sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trên địa bàn, cũng như các giá trị văn hóa của cộng đồng.

     Việt Nam có 3 nền văn minh cổ xưa là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo. Ba nền văn hóa này tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam. Trên địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh có hai bộ lạc sinh sống. Bộ lạc Cau cư trú vùng Phú Yên, Khánh Hòa- Ninh Thuận – Bình Thuận trở vào, và bộ lạc Dừa ở vùng Bình Định, Quảng Nam ngày nay. Bộ lạc Cau, khoảng đầu công nguyên, đã hình thành một tiểu vương quốc riêng có tên là Panduranga (tên Phạn) hay Pan-Rãn (tiếng Chăm cổ), về sau gọi là Chăm Pa, có địa bàn từ Nha Trang – Phan Rang, Phan Thiết ngày nay.

     Trên địa bàn Khánh Hòa ngày nay vẫn còn một số địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chăm. Tuy chúng còn tồn tại không nhiều và đa số đã bị Việt Hóa về âm đọc cũng như cách viết, nhưng việc tìm hiểu ý nghĩa và sự phản ánh hiện thực của chúng rất quan trọng bởi những địa danh này phản ánh đặc thù văn hóa của một vùng đất và liên quan mật thiết đến đời sống tinh thần của người dân.

     Tiêu biểu cho các địa danh gốc Chăm ở Khánh Hòa chính là địa danh Nha Trang. Theo chúng tôi, tên Nha Trang có thể được hình thành do cách đọc Hán – Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ýa Trang. Trong đó, trang tức là cây lau, ýa là nước, bến nước, sông; paley ýa trang tức là xứ Nha Trang. Thành tố /ýa/ trong tiếng Chàm (và các ngôn ngữ chi Chàm như Ê Đê, Raglai,…) có nghĩa là nước, nguồn nước, đôi khi dùng để chỉ sông, suối. Cách đặt địa danh gồm những thành tố chỉ sông, suối, núi, rừng kết hợp với những thành tố khác chỉ đặc điểm, thuộc tính của chúng là phương thức định danh quen thuộc của các tộc người Nam Á, Nam Đảo mà Ýa Trang là một ví dụ. Mặt khác, cuộc sống của con người bao giờ cũng gắn với nguồn nước – một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày. Từ tên nguồn nước (sông, suối) sau được dùng để gọi rộng ra vùng đất cư trú là quy luật phổ biến trong việc cấu tạo địa danh.

     Sự tồn tại của địa danh Chăm Ýa Trang còn được minh chứng qua các cứ liệu như sự tích vua Pô Klong Garai (tục gọi là vua Lác), người Chăm có câu ca: “Ko ýa ru iku ýa trang” (nghĩa là đầu ở xứ Ninh Hòa, đuôi ở xứ Nha Trang) để diễn tả cảnh dân chúng đưa chàng Lác về kinh làm vua (Nguyễn Viết Trung, 2004). Thêm vào đó, trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, nữ thần Pô I-nư Na-ga (người Việt thường gọi là bà Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc) có một vị trí hết sức quan trọng, mỗi vùng cư trú của người Chăm đều thờ Bà mẹ xứ của họ, ngày nay vẫn còn nghe truyền tụng về những cái tên như: Pô I-nư Na-ga ha-mu Ca-wet (Mẹ xứ chim) ở Phan Rí, Pô I-nư Na-ga ha-mu Tan-răn (Mẹ xứ đồng bằng) ở Phan Rang và Pô I-nư Na-ga ha-mu Ýa Trang (Mẹ xứ lau) ở Nha Trang.

Sự phản ánh quá trình di trú

     Sở dĩ địa danh phản ánh quá trình di trú của các tộc người là bởi khi người dân di cư đến một vùng đất và tổ chức nên hệ thống làng xã, họ đã góp phần hình thành nên lịch sử của một vùng đất.

     Theo lịch sử nghiên cứu, Khánh Hòa là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Chăm Pa, sau chúa Nguyễn đem quân sang đánh chiếm được vùng đất này. Từ đó diễn ra nhiều đợt di cư của người Việt từ phía bắc vào, điều này cũng được phản ánh phần nào vào cách đặt địa danh khi dân cư di trú đến địa bàn. Chẳng hạn như địa danh Bình Ba, đây là một đảo nhỏ diện tích chỉ hơn 3km² thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ý nghĩa của địa danh đảo Bình Ba, theo giải thích của ngư dân địa phương thì “Bình” chính là tên gọi gợi nhớ đến miền đất thượng võ “Bình Định” – nhằm ghi nhớ tổ tiên họ từ tỉnh Bình Định đến đây lập nghiệp vào khoảng cuối thế kỷ XVII, theo truyền thống họ sử dụng lại tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân. Hay giáo xứ Ba Làng, đây là địa danh nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 4 cây số về phía Bắc. Vào năm 1955, người dân rời quê hương Ba Làng (Thanh Hóa ) của mình để vào Nam; cập bến Sài Gòn về tạm trú ở Ba Ðèo (Định Tường) hay ở Xuân Trường (Thủ Đức). Sau đó, ngày 20 tháng 4 năm 1955, họ được đưa đến xóm Ðầm Phan Thiết. Đây chưa phải là “đất hứa”, vì thế đến ngày 20 tháng 7 năm 1955, hơn 1000 người di cư Ba Làng được đưa ra Nha Trang, về địa điểm “Chuồng Dê” (tức Thanh Hải ngày nay) để tạm trú. Họ lấy tên cũ Ba Làng mà đặt tên cho quê hương mới, vì khung cảnh nơi đây gợi lại quê hương Ba Làng đất Bắc.

Sự phản ánh đặc trưng văn hóa sản xuất

     Khánh Hòa với đặc điểm là một tỉnh có cấu trúc địa hình chủ yếu là dạng địa hình miền núi và bán sơn địa, cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng ngắn và dốc, cộng thêm những lợi thế về mặt biển đảo. Vì vậy, nghề nghiệp chính của cư dân ở đây ngoài sản xuất nông nghiệp còn có điều kiện để phát triển ngư nghiệp. Ở Khánh Hòa tồn tại các địa danh phản ánh nghề trồng lúa như dốc Gạo (Khánh Sơn), ruộng Rộc Dùi (Vạn Ninh), sân Trâu (Vạn Ninh), trảng Cám (Ninh Hòa),… Địa danh còn lưu lại dấu hiệu các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp như: cồn Dừa Ngọc Thảo (Nha Trang), dốc Quýt (Khánh Sơn), dốc Chanh (Ninh Hòa), đồng Cam (Cam Ranh), đồng Bông (Nha Trang), cồn Chuối (Nha Trang), gò Cây Xay (Ninh Hòa),…

     Yếu tố văn hóa sản xuất còn được lưu giữ qua các địa danh có liên quan đến làng nghề như nghề gốm, dệt chiếu, chế tác đá, đúc đồng, xoi trầm hương, đan giỏ,… Chẳng hạn làng gốm Lư Cấm là một địa danh làng nghề nổi tiếng ở Nha Trang. Theo địa bạ lập dưới triều Nguyễn, Lư Cấm có tục danh là xứ Gò Gốm. Lư Cấm được nhiều người biết đến với nghề gốm thủ công truyền thống đã mấy trăm năm. Đặc điểm ấy được thể hiện qua tên làng: Lư Cấm tức Lò Gốm. Lư hay lô (Hán) nghĩa là lò, Cấm là ký mã Hán của âm Nôm gốm. Làng gốm Lư Cấm chuyên sản xuất gạch ngói (xưa có loại gạch ghè ống nổi tiếng) và các vật dụng sinh hoạt như vò, lu, nồi, trả, ấm, chậu, chén, bát, lư cắm nhang, hỏa lò,… từng một thời cung cấp cho toàn khu vực Nha Trang và phụ cận. Ngoài ra các nghề thủ công cũng tạo nên các địa danh nổi tiếng như làng gốm Trung Dõng, làng chế tác đá Phong Phú, làng dệt chiếu cói Vĩnh Thái, làng đúc đồng Phú Lộc, làng nghề xoi trầm hương Phú Hội, làng đan giỏ cần xé Suối Cát,…

     Ngoài các làng nghề truyền thống kể trên, ở Khánh Hòa còn tồn tại các địa danh phản ánh ngư nghiệp. Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản là một trong những nghề đặc trưng gắn bó mật thiết với đời sống cư dân Khánh Hòa. Một số địa danh còn lưu giữ yếu tố văn hóa của nghề đi biển như: thôn Phương Câu (tên cũ là thôn Phường Câu, nơi này xưa kia là làng của những người dân sinh sống bằng nghề giăng câu chài lưới, đánh bắt cá tôm), xóm Bóng (Bóng là một dụng cụ bẫy, bắt cá cổ truyền của người dân làng Cù Lao; đó cũng là nguồn gốc để Bóng trở thành tên xóm của những ngư dân làm nghề này), xóm Chụt (Chụt là tên một xóm biển nằm cuối đường Trần Phú đây là vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió (Huình Tịnh Paulus Của, 1895). Ca dao địa phương có câu “Xóm Chụt là xóm thong dong/ Trải chiếu giăng mùng ngồi đợi ghe lên”), cầu Đá (là một cầu tàu nhỏ được người Pháp xây dựng vào năm 1920 làm nơi cho tàu khảo sát De Lanessan của Sở Hải Dương Học Nghề Cá Đông Dương neo đậu, người dân địa phương quen gọi là cầu Đá, về sau tên gọi của cầu được dùng làm tên gọi cho cảng gần đó: cảng Cầu Đá), bãi Trủ (Trủ là nói tắt từ lưới trủ hay kéo trủ, một nghề đánh bắt lâu đời của ngư dân địa phương, có đặc điểm là kéo lưới dựa theo sát bờ biển), bến Trường Cá (tục danh của Ngư Trường, là một ngư cảng nhộn nhịp và phồn thịnh của nghề đăng Khánh Hòa),…

     Có thể thấy các địa danh mang yếu tố ngôn ngữ phản ánh đặc trưng văn hóa sản xuất ở Khánh Hòa không giống với các làng nghề truyền thống của Bắc Bộ bởi tính chất và đặc điểm địa văn hóa của địa phương là văn hóa sản xuất mở, không chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Kết luận

     Địa danh ở Khánh Hòa mang trong mình những giá trị văn hóa rất phong phú. Chúng góp phần tạo nên diện mạo văn hóa chung ở Khánh Hòa và trở thành những tượng đài kỉ niệm bằng ngôn ngữ độc đáo, lưu trữ các thông tin văn hóa về thời đại mà chúng chào đời và còn được lưu giữ mãi về sau. Việc tìm hiểu địa danh Khánh Hòa từ khía cạnh đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa với cách tiếp cận liên ngành ngôn ngữ với văn hóa, địa lý và lịch sử đặc thù của địa phương, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy từ tính đa dạng của địa hình tự nhiên ở Khánh Hòa, cùng với không gian văn hóa đặc sắc và lịch sử đầy biến động của địa phương, địa danh Khánh Hòa đã phản ánh sự hội nhập, đan xen ngôn ngữ – văn hóa của những lớp cư dân có nguồn gốc khác nhau cùng sinh sống trên địa bàn. Như vậy, đặc trưng văn hóa của địa danh tỉnh Khánh Hòa thể hiện qua ý nghĩa phản ánh hiện thực của địa danh, không chỉ phản ánh về giá trị địa lý, lịch sử mà còn thể hiện các đặc điểm văn hóa của người dân và giá trị ngôn ngữ học.
 

Tác giả bài viết: HUỲNH LÊ CHI HẢI