394 lượt xem

Vì sao Khánh Hòa lại được gọi là xứ Trầm Hương?

Người ta gọi Khánh Hòa là “xứ Trầm Hương”, bởi địa phương này nổi tiếng với sản vật quý hiếm của núi rừng là trầm hương, về cả số lượng lẫn chất lượng.

Tiếng thơm ấy đã có từ thuở mở cõi hơn ba trăm năm trước, khi trầm hương đất này được xem là cống phẩm dâng vua tiến chúa và khẳng định đẳng cấp cho đến bây giờ.

Xứ Trầm Hương

Từ xa xưa, vùng rừng núi các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đã được biết đến là có nhiều trầm hương. Trong đó, trữ lượng trầm hương Khánh Hòa đứng số một, chất lượng trầm hương xứ này được xem là thượng hạng.

Nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” có chép: “Kỳ nam (loại trầm hương thượng thặng – PV) sản xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh (tên hai phủ thuộc vùng đất Khánh Hòa xưa được chúa Nguyễn Phúc Tần lập nên khi vua Chăm xin dâng đất cho Chúa từ sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên, sau cuộc bại chiến năm 1653 – PV) là hạng tốt nhất, sản xuất tự Phú Yên và Qui Nhơn là thứ nhì”.

Gần trăm năm sau, sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép rằng: “Kỳ nam: sản ở sơn man. Dân xã An Thành huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay - PV) hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nộp thay bằng trầm hương”.

Trong cuốn sách “Xứ Trầm Hương”, (NXB Lá Bối (Sài Gòn) ấn hành lần đầu tiên vào năm 1969), Quách Tấn đã giới thiệu từ lịch sử, địa lý, những thắng cảnh, cổ tích và dân sinh, nhân vật về đất Khánh Hòa. Ngay từ nhan đề, ông đã lấy thứ sản vật quý hiếm đặc trưng để gọi tên miền đất này, và cũng đề cập đến nguyên do của cách gọi này.

Nói về trầm hương ở “Xứ Trầm Hương”, Quách Tấn nhiều lần nhắc đến 4 câu ca: “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương, Non cao biển rộng người thương đi về, Yến sào thơm ngọt tình quê, Sông sâu đá tạc lời thề nước non”. Ông hết lời ca ngợi miền đất này, với bao mỹ từ, và đúc kết: “Và ghé chơi Khánh Hòa, một khi nhìn kỹ nước non, du khách nhất định vỗ về khen rằng: Gọi Khánh Hòa là xứ Trầm Hương thật xứng đáng. Có yêu mới biết, biết rồi thêm yêu”.

Khi đề cập đến các món lâm sản vùng đất này, ông viết: “Khánh Hòa có một thứ lâm sản hết sức quý. Nhưng quý không phải là một nguồn lợi của nhân dân địa phương mà vì là một sản phẩm đặc biệt đã làm cho Khánh Hòa thơm danh trong nước và ngoài nước. Ðó là: Trầm hương. Quý vật nầy không phải riêng Khánh Hòa mới có. Các nơi có núi cao rừng rậm, như Phú Yên, Bình Ðịnh... đều có, song không nhiều và không bằng Khánh Hòa. Cho nên hễ nói đến Trầm Hương là nói đến Khánh Hòa mà nói đến Khánh Hòa là nói đến Trầm hương”.
 

“Chỉ có Việt Nam mới có kỳ nam. Và kỳ cũng như trầm ở Việt Nam tốt nhất là kỳ trầm của Khánh Hòa… Như thế, bảo “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương” tưởng không có gì quá đáng. Ở Khánh Hòa hễ quận nào có rừng già là có trầm hương. Sản xuất nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và có tiếng nhất là trầm hương Vạn Giã, quận lỵ của Vạn Ninh. Có tiếng vì nhiều và tốt”, trích “Xứ Trầm Hương”.

Nói về công dụng của kỳ nam và trầm hương, Quách Tấn viết: “Trầm dùng giáng khí, tức là đem khí hạ xuống. Kỳ dùng trị các chứng phong đàm: mài với nước mà uống hay đốt xông vào lỗ mũi. Trị các chứng đau bụng cũng rất hay: chỉ ngậm trong miệng cho tiêu rồi nuốt. Nhiều khi hiệu nghiệm như thần. Trầm và kỳ còn đuổi được khí tà độc, khí ô uế. Trầm thì đốt lên. Kỳ chỉ đeo vào mình cũng đủ”.

Theo khoa học ngày nay, trầm hương là thứ tinh dầu được kết tinh trong cây gió, được chia làm hai loại: Kỳ nam và trầm hương. Trầm và kỳ được phân biệt ở hình chất và khí vị. Trầm chất cứng và nặng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, vị lại đủ chua cay ngọt đắng. Trầm có mùi ngát, kỳ có mùi thanh. Khói của trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói của kỳ bay thẳng và cao vút. Trầm kỳ là một loại dược liệu rất quý, có giá trị cao trong ngành y học.

Người dân Khánh Hòa từ xa xưa đã biết tự hào về trầm hương, một sản vật thiên nhiên ban tặng xứ mình, thể hiện qua câu ca dao như “Khánh Hòa biển rộng non cao. Trầm hương Vạn Giã - yến sào Nha Trang”.
 

Thơ ca dân gian Khánh Hòa, đặc biệt là chủ đề về vẻ đẹp thiên nhiên, non nước, trầm hương thường xuất hiện như một đặc trưng xứ này: “Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng. Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm. Ngọn gió bay phảng phất hơi trầm. Mây xây tháp bút, trăng dầm bến ngân”.

Hay “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá. Trầm nơi Vạn Giả hương tỏa sơn lâm. Ðôi lứa ta như quế với trầm. Trời xui đất khiến sắt cầm gặp nhau”. Hình ảnh trầm hương cũng được sử dụng để ví von, ca ngợi những tính cách, phẩm chất, đức tính cao quý, thanh cao của con người.

Trải qua bao thương hải tang điền, trầm hương của đất Khánh Hòa dù xưa hay là nay đều vẫn giữ ngôi vị số một, được người đời nâng niu và xem như báu vật. Món sản vật được cho là hội tụ linh khí đất trời này cũng chính là nguồn cảm hứng để cho ra đời công trình tháp Trầm Hương với kiến trúc tạo hình lõi trầm độc đáo, dựng tại quảng trường 2/4 ở TP Nha Trang.

Được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá Trầm Hương của thế giới

Với rất nhiều giá trị đóng góp nổi bật và đa dạng trong đời sống tâm linh, văn hoá, nghệ thuật, y học... việc trao đổi mua bán trầm hương như một trong những sản vật quý hiếm đã được ghi nhận từ rất sớm với nhiều hoạt động sôi nổi từ Á sang Âu, trong rất nhiều lĩnh vực thương mại, ngoại giao, chính trị ...

Sử sách còn cho biết người Việt thời xưa cũng dùng trầm hương buôn bán với người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Ví dụ, khi chép về việc giao thương buôn bán giữa các thương nhân Trung Quốc thời nhà Tống, sách Lĩnh Ngoại đại đáp cho biết hàng của Giao Chỉ đến Khâm Châu đem bán có bạc, đồng, trầm hương, quang hương, ngà voi, sừng tê… Dựa vào các nguồn sử liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc buôn bán trầm hương này đã được bắt đầu được đẩy mạnh về tính chất và quy mô từ thời Lý.

Trầm hương từ Indonexia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia...cũng được các thương nhân và người dùng chọn lựa nhưng đích đến của các thương thuyền từ Đông sang Tây vẫn là Khánh Hoà ngày nay.

Từ thời điểm đó, Trầm hương Việt Nam đã là tiêu chuẩn để đánh giá, so sánh, phân loại đối với tất cả trầm hương trên toàn thế giới. Các thư tịch, tài liệu cổ quốc tế đều ghi nhận việc nhận xét, đánh giá và đưa ra các tiêu chí phân loại của trầm hương trên thế giới đều dựa trên căn bản lấy trầm hương Việt Nam làm chuẩn mực.

Đơn cử như Nhật Bản là đất nước có tình yêu đặc biệt với Trầm hương. Mặc dù là một vùng đất không có Trầm hương, nhưng điều đó không ngăn cản được Văn hoá Trầm hương phát triển rực rỡ và sâu rộng tại xứ sở Mặt trời mọc.

Theo Hương Đạo Nhật bản, mùi trầm hương từ đó được phân loại thành “ngũ vị lục quốc” (tức là “năm mùi vị và sáu nước”). Năm mùi vị là ngọt, chua, cay, mặn, và đắng. “Sáu nước” nói nôm na là sáu nơi sản xuất trầm hương; đó là Kyara, Rakoku, Manaban, Manaka, Sasora and Sumatora. Theo cách phân chia của những người sành điệu trầm hương do Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436-1490) bổ nhiệm, ở cấp độ cao nhất chính là Kyara (Già la), chữ kara có gốc là tiếng Phạn, nghĩa là “đen”. Loại tốt nhất trong trầm hương, có mùi hương tao nhã. Chỉ có ở Việt Nam.

Gần đây, vào năm 2003, tại cuộc Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về trầm hương được tổ chức ngày 10-15/11 tại TP HCM, Việt Nam, một lần nữa các nhà khoa học đã đưa ra lời khẳng định: “Trầm hương của Việt Nam là tốt nhất, được mua với giá cao nhất, sản lượng trầm trên thế giới bị phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của trầm hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của thế giới hiện nay và trong tương lai, bởi trầm là loại dược liệu và cả hương liệu thặng hạng không có gì thay thế”.

Đại Chơn
baophapluat.vn