367 lượt xem

Nguồn gốc một số địa danh ở Khánh Hòa

Khánh Hòa
Là tỉnh được thành lập năm 1831 từ trấn Bình Hòa, còn phủ Bình Hòa khi đó trở thành phủ Ninh Hòa. Khánh Hòa là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Chăm Pa. Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ Hùng Lộc đem quân sang đánh chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Trong tiếng Hán, chữ “Khánh” thuộc bộ tâm, quy định nét nghĩa liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, tính cách... nghĩa gốc là “mừng” rồi chuyển loại mang nghĩa “chúc mừng” và “việc mừng, lễ mừng”. Chữ Hòa tạm hiểu là đồng thuận, hòa hợp.

Gộp Ngà
Là núi ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn. Gộp Ngà là những tảng đá chồng lên nhau, có màu trắng ngả sang màu vàng như màu ngà voi.


Hòn Hèo
Một hòn núi ở thị xã Ninh Hoà, cao 819m. Hèo vì trên núi có một loại mây rất tốt gọi là hoa đằng, thường được dùng làm hèo (gậy).
Theo lời người dân kể lại, tên gọi Hòn Hèo đã xuất hiện từ rất lâu. Sở dĩ cái tên này ra đời là do trước đây hoạt động khai thác và kinh doanh gỗ trên đỉnh Phước Hà Sơn, đặc biệt là chế tác gỗ mây thành gậy chống (hay còn gọi là cây hèo) rất nổi tiếng.

Tương truyền, đỉnh Phước Hà Sơn khi ấy có rất nhiều gỗ quý, đặc biệt là gỗ mây. Gỗ mây trên núi này dài và to, dẻo dai, chắc chắn vô cùng. Chính vì vậy, rất nhiều thương lái, thợ thầy đến đảo khai thác gỗ mây về làm rương tủ, giường kệ… Một vài nghệ nhân bắt đầu chế tác gỗ này thành gậy chống (còn gọi là cây hèo). Về sau, gậy chống (cây hèo) từ gỗ Phước Hà Sơn ngày càng nổi tiếng bởi chất lượng và giá trị sử dụng. Lâu dần người ta đổi tên Phước Hà Sơn thành Hòn Hèo cho dễ nhớ lại tiện đọc.
Núi Hòn Hèo Ninh Hòa là ngọn núi cao nhất trong dãy 10 ngọn núi bao bọc quanh vịnh Nha Phu và Vân Phong. Dãy núi hùng vĩ tựa như một bức tường thành vững chãi, bảo vệ và che chắn, giữ bình yên cho ngư dân nơi này.

Núi Hòn Hèo Ninh Hòa là ngọn núi cao nhất trong dãy 10 ngọn núi bao bọc quanh vịnh Nha Phu và Vân Phong. Dãy núi hùng vĩ tựa như một bức tường thành vững chãi, bảo vệ và che chắn, giữ bình yên cho ngư dân nơi này.

Hòn Khói
Là núi nằm trong thị xã Ninh Hoà, cao 155m. Hòn Khói: Có ba cách lý giải: 1. Đây là vết tích của núi lửa. 2. Vì“núi thường có mây phủ như khói”. 3. Trước đây nghĩa quân thường đốt khói để làm ám hiệu. Thuyết hai có lý nhất.

Thác Nhét
Nhét là thác trên sông Cái, tỉnh Khánh Hoà. Nhét vì ghe từ trên xuống, nếu người lái không nhanh tay và thạo nghề, ghe sẽ bị nước tống vào kẹt đá, như ta cầm một vật gì nhét vào kẽ đá.

Dốc Lết
Là khu du lịch ven biển ở thị xã Ninh Hoà, cách Nha Trang độ 40km về phía bắc. Khu du lịch có chiều dài gần 10km, có hàng dương phủ kín hơn 2,5km. Dốc Lết là “dốc cát mà muốn di chuyển từ trong ra phía biển, ta phải lết qua đụn cát lớn”.

Để nhớ ơn các vị khai quốc trong quá khứ, nhiều địa danh đã mang tên các vị và thể hiện ước mơ vùng đất này được yên ổn.


Huyền Trân
Là tên bãi đá san hô ở phía tây quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Huyền Trân vốn là công chúa nhà Trần. Năm 1306, được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô và Lý để tạ ơn.


Phúc Tần – Phúc Nguyên
Tiếp bước Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần là những vị chúa có công lớn trong việc mở đất về phương Nam, nên tên hai vị được gắn với hai bãi đá ở tây nam quần đảo Trường Sa. Phúc Nguyên là gọi tắt tên chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Còn Phúc Tần có là gọi tắt tên chúa Nguyễn Phúc Tần (1619-1687).

Phan Vinh
Tên một đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa ở biển Đông, dài 132m, rộng 72m. Phan Vinh tên thật là Nguyễn Phan Vinh (1933-1968), quê ở Quảng Nam, cấp bậc Trung úy, thuyền trưởng tàu vận tải vũ khí 235, hi sinh ở Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày 30-4-1975, Nhà nước ta đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo Phan Vinh.

Chết Chém
Một gò ở huyện Diên Khánh mang tên Chết Chém. Cũng gọi là Gò Quýt, Gò Giam. Gọi là Chết Chém vì đây là nơi chính quyền phong kiến và Pháp dùng để xử trảm những người yêu nước hoặc có tội với chế độ. Ngày 15-6-1908, nhà ái quốc Trần Quý Cáp hi sinh tại đây dưới cường quyền của giặc Pháp.

Nha Phu
Là vịnh ở phía nam thị xã Ninh Hoà, diện tích 4.500ha, có nhiều hải sản giá trị. Nha Phu gốc Chăm (paley) Ia Ru, nghĩa là “(xứ) thác nước”, nhưng có nhiều tên phiên âm khác nhau: Nha Du, Nha Lỗ, Nha Tù; đến năm 1833, đổi thành Nha Phu. Trên đảo Hòn Khỉ tại vịnh này, người ta thấy một thác nước tràn qua mỏm đá.


Hà Ra
Vừa là tên núi ở huyện Diên Khánh vừa là tên cầu trên quốc lộ 1A, gần xóm Bóng, thành phố Nha Trang. Hà Ra gốc Chăm Kauthara, tên tiểu quốc của Chiêm Thành nằm về hướng bắc Bình Thuận.


Tô Hạp
Ngoài ra, còn có cây Tô Hạp. Tô Hạp vừa là tên núi, tên sông, tên thị trấn. Núi Tô Hạp ở huyện Khánh Sơn, cao 695m. Sông Tô Hạp phối hợp với sông Đà Mai, tạo thành sông Cái, chảy qua vùng Ba Ngòi. Cuối cùng, Tô Hạp là thị trấn của huyện Khánh Sơn. Cây này là đặc sản của tỉnh Khánh Hòa, cao độ 30-40m, lá giẹp trắng, nhựa thơm.

Lỗ Lường
Đất Khánh Hòa cũng như những vùng đất khác, cư dân rất tin tưởng ở những sức mạnh siêu nhiên. Ngoài Tháp Bà, còn nhiều điểm đáng chú ý như Lỗ Lường. Lỗ Lường là hang đá giống bộ phận sinh dục nữ ở đông nam Hòn Đỏ, ngoài khơi thị xã. Ninh Hòa. Theo tín ngưỡng dân gian địa phương, vào mùa xuân và mùa thu, sau khi cúng bái, người chủ tế dùng khúc gỗ hình dương vật thọc vào Lỗ Lường 9 cái. Đây là động tác nghi lễ tượng trưng cho sự giao phối dâng hiến để bà vui lòng, thỏa mãn, ban cho ngư dân ước nguyện “biển no”, trúng mùa, nhiều cá. Lỗ Lường là cách nói chệch một từ chỉ bộ phận sinh dục phụ nữ.

Yang Bay
Là thác ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang độ 45km về phía tây. Yang Bay người Kơ Ho gọi là Yang Papơr, nghĩa là “thần bay”. Nhưng có người lại nói rằng theo tiếng Raglai, tên thác là Yang Bei (“thác rượu thần”) thành Yang Bay.


Âm Phủ
Là chợ cũ ở vị trí chợ Đầm (thành phố Nha Trang) ngày nay, chỉ họp vào đêm khuya ngày 14 và 29 âm lịch hàng tháng. Đặc điểm là chợ chỉ bán trái cây để cúng vào các ngày rằm và mùng một.


Vạn Giã
Là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Vạn Giã là tên ghép hai cửa biển của vịnh Vân Phong: cửa Vạn và cửa Giã. Vạn là “xóm chài”; Giã là “thuyền mành”.

Cửa Vạn ở Đầm Môn, dưới chân núi Bàn Sơn. Trước cửa có đảo Hòn Lớn đứng che rất kín đáo, ghe thuyền có thế ần núp khi có bão

Cửa Giã nằm tại thị trấn Vạn Giã, nơi sông Hầu (sông Vạn Giã) chảy qua, thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập, dân cư đông đúc.
Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
1-Huỳnh Lê Thị Xuân Phương, Văn hoá qua địa danh Khánh Hoà, Luận văn Thạc sĩ cao học văn hoá học, Trường Đại học KHXH-NV, tp.HCM, 2009.
2-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, bản đánh máy.
3-Ngô Văn Ban, Địa danh Khánh Hòa xưa và nay, Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010.
4-Nguyễn Văn Khánh – Giang Nam (cb), Địa chí Khánh Hoà, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003.
5-Nguyễn Viết Trung, Địa danh lịch sử, văn hóa ở thành phố Nha Trang, trong Tài liệu Hội thảo khoa học “Địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa”- tháng 12-2013.