453 lượt xem

Nguồn gốc và ý nghĩa địa danh Nha Trang là gì?

Không kể cách giải thích Nha Trang có nghĩa là Nhà Trắng chỉ là câu chuyện vui trong dân gian, đến nay đã có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh Nha Trang:
1) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do người Việt đặt khi đến vùng đất này. Từ  trang (nghĩa Hán-Việt là trại làm ruộng) trong Nha Trang thể hiện “dấu vết tổ chức nông nghiệp thời phong kiến” (Theo Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, 1976).
2) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do vua Trần Nhân Tông đặt khi vào thăm đất Chiêm Thành năm 1301 theo lời mời của vua Chiêm là Chế Mân. (Theo Mịch Quang & Nguyễn Hồng Sinh, Nha Trang là gì ?, 1992).
3) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa krưm nghĩa là sông tre (Theo A. Cabaton).
4) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trăh nghĩa là chỗ hai dòng nước gặp nhau (Theo Nguyễn Khắc Ngữ).
5) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trang nghĩa là sông lau (Theo Gerald Moussay, Thái Văn Kiểm, Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư).
Giả thuyết (1) và (2) với cách giải thích Nha Trang dựa vào nghĩa Hán-Việt khá khiên cưỡng vì không có sử liệu minh chứng cụ thể.
Các giả thuyết còn lại (2, 3 và 4), mặc dù có khác nhau trong việc lí giải các thành tố cấu tạo nên địa danh Nha Trang  nhưng chúng đều thống nhất ở điểm:
- Nha Trang là địa danh phiên âm từ tiếng Chăm, tiếng nói của một dân tộc vốn cư trú lâu đời ở vùng đất này.
- Nha Trang nguyên là tên sông (chỉ sông Cái, Nha Trang), sau được dùng để gọi rộng ra cả vùng đất.
Theo chúng tôi, tên Nha Trang có thể được hình thành do cách đọc Hán-Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ýa Trang. Trong sách Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chàm-Việt-Pháp) do linh mục Gerald Moussay và cộng sự biên soạn, có ghi như sau:
- trang : cây lau
- ýa : nước, bến nước, sông

- paley ýa trang : xứ Nha Trang 

Thành tố /ýa/ trong tiếng Chàm (và các ngôn ngữ chi Chàm như Ê-đê, Raglai ...) có nghĩa là nước, nguồn nước, đôi khi cũng dùng với nghĩa chỉ sông, suối. Cách đặt địa danh gồm những thành tố chỉ sông, suối, rừng, núi ... kết hợp với những thành tố khác chỉ đặc điểm, thuộc tính của chúng là những phương thức quen thuộc của các tộc người Nam Á, Nam Đảo mà Ýa Trang (sông lau) là một ví dụ. Mặt khác, cuộc sống của con người bao giờ cũng gắn với nguồn nước - một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ tên nguồn nước (sông, suối ...) sau được dùng để gọi rộng ra vùng đất cư trú là quy luật phổ biến trong việc cấu tạo địa danh.

Sự tồn tại của địa danh Chăm Ýa Trang còn được minh chứng qua các cứ liệu sau:

- Khi kể lại sự tích vua Pô Klong Garai (tục gọi là vua Lác, nay còn đền thờ ở Tháp Chàm, Phan Rang), người Chăm có câu ca: “Ko ýa ru iku ýa trang” (nghĩa là “đầu ở xứ Ninh Hòa đuôi ở xứ Nha Trang”) để tả cảnh dân chúng đi đưa chàng Lác về Kinh làm vua, kéo thành một đoàn dài vô tận.

- Trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, hình tượng nữ thần Pô I-nư Na-ga (người Việt gọi là Bà Thiên Y A Na hay Bà Chúa Ngọc) chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Mỗi thôn xóm, mỗi vùng cư trú của người Chăm xưa đều thờ Bà mẹ xứ  của họ, ngày nay ta còn nghe truyền tụng những cái tên như Pô I-nư Na-ga ha-mu Ca-wet (Mẹ xứ chim) ở Lạc Trị, Phan Rí; Pô I-nư Na-ga ha-mu Tan-răn (Mẹ xứ đồng bằng) ở Hữu Đức, Phan Rang; Pô I-nư Na-ga ha-mu Ýa Trang (Mẹ xứ lau) ở Nha Trang. 

Tóm lại, tên Nha Trang, gốc từ tiếng Chăm Ýa Trang (sông lau), là địa danh của người Việt gọi vùng đất đã thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653. Hơn 3 thế kỉ rưỡi trải qua nhiều biến động lịch sử, ban đầu chỉ là tục danh, về sau trở thành địa danh hành chính chính thức, tên Nha Trang vẫn tồn tại như một địa danh truyền thống cho đến ngày nay.


Tổng hợp: ninhhoatoday.net