Quần đảo Trường Sa có tên tiếng Anh là Spratley Islands nằm ở phía nam Biển Đông, trong phạm vi từ 6o50’N đến 12o00’N và từ 111o20’E đến 117o20’E. Theo phương Tây Bắc – Đông Nam, có chiều rộng khoảng 400 km và theo phương Đông Bắc- Tây Nam rộng khoảng 900 km. Điểm gần nhất của quần đảo cách Vũng Tàu khoảng 340 hải lý và cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý. Quần đảo Trường Sa có khoảng trên 150 đảo nổi, chìm lớn nhỏ với diện tích các đảo nổi vào khoảng 10 km2. Về mặt hành chính quần đảo Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa: huyện đảo Trường Sa.
Cũng như ngôn ngữ chung, vấn đề địa danh ở nước ta cũng thể hiện được tính dân tộc, khoa học, đại chúng và thống nhất.
Tính dân tộc
Theo truyền thống Việt Nam, địa danh là tên của một đối tượng địa lý. Quần đảo Trường Sa là tên gọi theo đối tượng địa lý trên Biển Đông. Thời Hồng Đức, trong “Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” trên bản đồ có ghi là Bãi Cát vàng. Như vậy, với truyền thống đại chúng Việt Nam, thì thuật ngữ Bãi Cát Vàng là một từ thuần Việt để xác lập chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này. Còn trên “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII cũng đã ghi quần đảo Trường Sa.
Như vậy, theo các tư liệu cũ thì các thuật ngữ Bãi Cát Vàng rồi sau này là Trường Sa đều là các địa danh mang từ thuần Việt, thể hiện truyền thống của người Việt Nam.
Tính khoa học của địa danh
Mỗi địa danh đều có tính khoa học địa lý và nhân văn trong đó, đồng thời cũng mang tính quốc tế. Các đối tượng địa lý trên biển và đại dương nói chung, cũng như Biển Đông nói riêng đều có những tính chất ấy.
Quần đảo là tên chỉ một nhóm đảo nằm gần nhau chiếm một vùng biển có diện tích không hạn chế (ví dụ quần đảo Indonesia có diện tích hàng triệu km2, quần đảo Trường Sa có diện tích hàng trăm ngàn km2). Tên tiếng Anh là Archipelago hoặc cũng có thể dùng từ đảo với số nhiều Islands.
Đảo là một từ để chỉ một vùng đất, đá... nhô lên khỏi mực nước, ngay cả khi thủy triều dâng cao. Độ cao có thể thay đổi từ vài mét đến vài nghìn mét và diện tích thường khoảng trên 1km2. Tên tiếng Anh là Island.
Hòn là một từ để chỉ các đảo có diện tích nhỏ hơn, thường dưới 1 km2 và độ cao cũng nhỏ hơn. Tên tiếng Anh là Islet. Ví dụ Hòn Tre, Hòn Trứng Lớn...
Bãi là từ dùng để chỉ một vùng đất nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống và bị ngập khi thủy triều lên. Tên tiếng Anh là Shoal.
Bãi ngầm là từ dùng để chỉ những khu vực có kích thước đáng kể và bị ngập dưới nước tương đối sâu (có thể tới vài chục mét hoặc hơn). Tên tiếng Anh là Bank.
Đảo san hô vòng để chỉ các cấu tạo san hô dạng vòng thường là hình bầu dục không liên tục, phía trong là một vùng nước không sâu lắm (từ vài mét đến vài chục mét). Tên tiếng Anh là Atoll. Hầu hết các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa đều có dạng này. Thực tế, các đảo này đều được viết bằng Island chứ không dùng Atoll.
Rạn san hô dùng để chỉ các cấu tạo san hô còn ngập dưới biển và không có dạng vòng. Tên tiếng Anh là Reef. Từ tiếng Anh này cũng được sử dụng nhiều lần trên quần đảo Trường Sa.
Tính đại chúng, thống nhất
Tính đại chúng của một địa danh nào đó phải được nhiều người trong nước hiểu hoặc hình dung ra đối tượng địa lý mà nó được mang tên và khi đọc lên hoặc viết ra không nhầm lẫn với một địa danh nước ngoài. Tính thống nhất của địa danh thể hiện ở chỗ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, trong các văn bản, sách báo, bản đồ, mỗi đối tượng địa lý chỉ có một tên thống nhất, không đặt nhiều tên khác nhau để tránh nhầm lẫn. Nếu cần thiết thì ghi tên của địa phương có địa danh đó hoặc tên cũ của địa danh.
Cho đến nay quần đảo Trường Sa đã có tới hơn 150 địa danh mang tên tiếng Việt và quốc tế. Việc đặt tên các địa danh ở Trường Sa đã sử dụng hầu hết các danh từ chung như đã nêu: Đảo (Island), Bãi (Bank), Đá (Reef hoặc Rock). Trong đó đa số địa danh được đặt tên theo tính dân tộc - đó là đặt tên đã sử dụng tính mô phỏng hay đặc tả (như các tên Thuyền Chài, Sơn Ca...), danh nhân (Phan Vinh, Huyền Trân...), định hướng (Song Tử Tây, Song Tử Đông, Đá Bắc, Đá Nam...), âm hán (Kỳ Vân, Song Tử...).
Như vậy, nguồn gốc trong việc đặt tên cho quần đảo Trường Sa và các đảo, bãi, đá, hòn... trên quần đảo đó là một trong những bằng chứng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.
Nguyễn Thanh Điệp
baonghean.vn
baonghean.vn