279 lượt xem

Những tên làng giữa phố Nha Trang

Nha Trang nhìn từ trên cao như một góc của Hồng Kông với những cao ốc.

Cơn lốc đô thị đã xóa đi nhiều dấu vết cổ xưa của thành phố biển xinh đẹp này, nhưng những tên xóm, tên làng thuở cha ông đi mở cõi thì vẫn còn nguyên đó.

Theo thống kê của ngành du lịch Khánh Hòa, TP.Nha Trang hiện có trên 50.000 phòng khách sạn từ 3 - 5 sao. Bạn thử hình dung xem, diện tích tự nhiên của Nha Trang chỉ 251 km 2 nhưng núi đồi đã chiếm phần lớn, ấy thế mà có đến từng ấy phòng khách sạn “xịn” thì mức độ “bê tông hóa” đến cỡ nào rồi. Đáng lưu ý là nhiều khu phố đã mọc lên ngay trên những làng chài thuở xa xưa.

Phải là người “Nha Trang gốc” mới cảm nhận hết nỗi ngậm ngùi khi cơn lốc đô thị hóa đã lấy đi một phần ký ức của họ ngay tại những làng chài ven biển này.

Khi không gian của những con đường có mặt tiền là biển không còn khoảng trống nào nữa, nhiều đại gia bất động sản bắt đầu dòm ngó đến các đầm lầy phía tây thành phố. Những đìa tôm, những rừng dừa nước dọc sông Quán Trường giờ nhường sân cho các khu đô thị. Giá đất tăng phi mã khiến tất cả các con đường dù là mới mở, các công viên công cộng, các khu vui chơi giải trí ... đều phải thu mình lại, nhường đất cho “nhà mặt phố”. Bởi thế cho nên nhiều tuyến phố vừa mới hình thành nhưng sự chật chội luôn hiện hữu. Cũng may là người Nha Trang vẫn còn lưu giữ những tên xóm, tên làng như neo lại một phần ký ức lịch sử mở cõi của cha ông từ nhiều thế kỷ trước.

Những tên làng giữa phố Nha Trang - ảnh 1

Giữa thành phố có đến... ba làng

Ở Nha Trang, có những địa danh thoạt nghe rất lạ. Phải là những cư dân sống lâu đời ở đây mới hiểu ngọn nguồn những tên gọi này. Tên Ba Làng là một ví dụ. Giữa thành phố mà có chữ “làng”, không những “một” mà đến... ba làng!

Theo các lão ngư, cách đây khoảng 80 năm, khu vực phía trước danh thắng Hòn Chồng kéo dài ra tới Hòn Một vốn là những làng chài của cư dân bản địa. Đến năm 1955, có khoảng 1.000 gia đình quê Thanh Hóa “đổ bộ” vào đây định cư và mang theo tên làng cũ để đặt tên cho làng mới. Tên Ba Làng bắt đầu có từ đó. Cũng có một con đường cùng tên xuyên qua ngôi làng này.

Điều khá kỳ quặc là, dân địa phương “gốc” thì gọi là đường Ba Làng, còn số người mới định cư từ sau năm 1975 thì gọi là đường Dương Hiến Quyền. Chính quyền P.Vĩnh Hòa đã kiến nghị với TP.Nha Trang là nên lấy tên cũ Ba Làng để tiện việc giao dịch nhưng chưa được HĐND thành phố thông qua. Thế nên mới có chuyện, nhiều anh cò đất rao bán đất khu vực này đều kèm theo hai tên đường Dương Hiến Quyền và Ba Làng. Dân các nơi khác đến khu vực này mua đất thì tìm “mờ mắt” cũng không ra tên đường nào là “chính thức” để mà giao dịch.

Hay như xóm Cồn Dê giữa đôi bờ sông Cái, chả thấy con dê nào, chỉ toàn nhà cửa ken dày. Từ hơn một trăm năm trước, cư dân ven sông Cái đã biến cồn cát giữa sông này thành nơi chăn thả loài dê. Tên gọi “Cồn Dê” có từ thuở ấy, tồn tại cho đến ngày nay.

Đến Nha Trang, bạn đừng ngạc nhiên khi đi loanh quanh khu vực phía bắc và nam bờ sông Cái, nơi dòng sông chuẩn bị hòa vào biển, có những tên đường cùng các địa danh nghe rất dân dã: Xóm Cồn, Bờ Kè, Cù Huân, Xóm Bóng, Linh Trung, Xương Huân... Thậm chí ngay giữa trung tâm thành phố, nơi có nhiều quán ăn sôi động bậc nhất bởi khách du lịch dập dìu lại xuất hiện một “Lăng Ông” - nơi thờ cá voi (cá Ông) của cư dân ven biển nam Trung bộ. Dấu vết của những làng chài từ thuở cha ông đi mở đất như còn hiện hữu trên mỗi bức tường rêu phủ ở Nha Trang.

Nơi lưu giữ ký ức

Bất chấp cơn lốc đô thị hóa, người Nha Trang có cách lưu giữ ký ức của mình để con cháu không quên gốc gác. Ví như chợ Đầm - một trung tâm thương mại sầm uất của Nha Trang, vốn là một đầm nước thông với sông Cái. Từ nhiều thế kỷ trước, đầm nước này là nơi họp chợ trên những chiếc thuyền để trao đổi sản vật giữa hai miền xuôi - ngược của Khánh Hòa. Khách đường xa ngày nay khi đến Nha Trang vẫn không hiểu vì sao ngôi chợ này lại mang tên “Đầm” mà không thấy nước đâu cả.

Nhà của nhà thơ Quách Tấn ngay bên hông chợ Đầm, có tên đường mang đậm dấu vết thuở xưa: đường Bến Chợ. Vì trước đây, chợ Đầm có rất nhiều bến, mỗi bến bán một loại sản vật. Trước mặt nhà của Quách Tấn là một trong những “bến” của ngôi chợ này.

Hay như dân vùng quanh chợ Đầm lấy tên Xương Huân để đặt tên cho một phường. Rồi có cả tên đường Cù Huân nữa. Những tên gọi gợi nhớ đến một vương quốc xa xưa của người Chăm, gắn với bao huyền tích quanh mình.

Ngay như tên Nha Trang cũng vậy. Nó bắt nguồn từ cách phát âm của người Chăm để chỉ con sông có nhiều lau lách như sông Cái. Đó là Ea Trang hay Yja Trang. Ea hay Yja trong tiếng Chăm có nghĩa là dòng sông. Trang trong tiếng Chăm có nghĩa là lau sậy. Ea Trang hay Yja Trang có nghĩa là “dòng sông lau”. Lâu dần nó được đọc chệch thành Nha Trang. Từ tên dành cho con sông thành tên đất và sau được dùng cho cả vịnh biển xinh đẹp như bây giờ.
 

Trần Đăng
thanhnien.vn