813 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Mỏ Cày

Mỏ cày vốn là tên một bộ phận của cái cày. Bộ phận này bắt đầu từ chỗ tay cầm đến lưỡi cày. Phần đầu của nó khá giống mỏ con chim nên người Việt xưa gọi là mỏ cày.

Mỏ cày là một từ tổ rất phổ biến ở miền Trung. Còn người miền Nam gọi là chuôi cày; người miền Bắc gọi là xeo cày. Génibrel trong Từ điển Việt_Pháp (1898) dịch hai từ tổ này là manche de la charrue (cán cày).

Ở trên trời có một chòm sao giống bộ phận trên nên được người Việt xưa gọi là sao Mỏ Cày.
Một đoạn đường của quốc lộ 1A chạy qua phía Bắc thị trấn Mộ Đức (Quảng Ngãi) có hình dáng cong như cái mỏ cày nên vùng đất hai bên đoạn đường này được gọi là Mỏ Cày.

Tương tự như thế, một đoạn sông ở tỉnh Bến Tre có hình dáng cong nên mang tên Mỏ Cày. Rồi tên sông trở thành tên huyện, tên thị trấn, tên cầu.

Đây là hiện tượng chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ: lấy tên vật này để chỉ vật kia dựa vào một điểm giống nhau giữa chúng.
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa


Xuất phát từ buổi đầu khai hoang. Hồi người xưa tới đây lập nghiệp, đất đai còn rộng rãi nhưng hiểm trở. Chúa sơn lâm cũng còn trong rừng nhiều lắm. Dân cư tới đây khai phá, năm ba nóc nhà quần tụ thành chòm xóm để sinh sống. Lâu lâu, cọp lại vào làng bắt heo bắt gà, đôi khi cả người. Dân làng bèn bảo nhau lấy tre vót nhọn rào làng. Từ đó, cọp không dám vào làng nữa. Nhưng khi dân làng ra ruộng, ra rẫy, hoặc vào rừng thì cọp lại hay rình bắt người.

Một hôm có chàng trai đi cày, mang theo cái mõ. Buổi chiều khi cày xong, anh thả trâu cho ăn cỏ rồi dùng mõ đánh gọi trâu về, không ngờ trong rừng cạnh đó có con cọp đang rình chờ bắt anh. Nghe tiếng mõ, cọp cong đuôi chạy vào rừng, những con cọp khác cũng co cẳng chạy luôn.
Những người đi chặt củi, thấy cọp chạy tán loạn, bèn nấp kín xem có chuyện gì xảy ra. Lát sau họ hiểu ra rằng cọp sợ tiếng mõ. Về làng, những người dân đi chặt củi kể lại chuyện này cho bà con nghe và bày cho nhau khi đi làm đem theo mõ để đuổi cọp.

Về sau, khi dân cư đông đúc người ta kêu nơi này là xứ Mõ Cày, dần dà gọi chệch ra là Mỏ Cày. Địa danh này trở thành tên huyện bây giờ.

Một giải thích khác cũng liên quan đến buổi đầu khai hoang. Do nơi đây xưa kia rừng rậm hoang vu, người dân đến đây lập ấp khẩn hoang thì thưa thớt, hay bị thú dữ quấy nhiễu. Để đi cày cấy phải có đông người nếu không muốn cọp beo ăn thịt. Do đó, mỗi sáng tinh sương, người dân bắt đầu đi cày đều gõ mõ, để thúc giục mọi người ra đồng cùng nhau. Ngày qua ngày, nơi ấy người ta gọi là Mỏ Cày (gõ mõ đi cày thời khai hoang).
Theo Địa chí Bến Tre