[1].Ba là sóng. Tri là lụa đen. Ba Tri là thứ lụa đen có dợn sóng. Xưa, nơi này dân chúng làm nghề nuôi tằm dệt lụa. Vào năm (1787) Chúa Nguyễn Phúc Ánh còn trốn tránh quân Tây Sơn, Ngài được nhiều bô lão đem dâng nhiều cây lụa đen. Từ khi Gia Long lên ngôi, mỗi năm huyện Bảo An (xưa) cũng đem về Huế dâng 10 đượn lụa đen (Nguyệt san Kiến Hòa, số 3, 1957, tr.23). Bộ Lễ cho lụa đen này danh từ Ba Tri (tức lụa đen có dợn sóng) để phân biệt với lụa khác như lụa Tân Châu (Châu Đốc), lụa Hà Đông.
[2]. Nhiều bậc bô lão bảo rằng: Ba Tri trước kia là do chữ BA SI, có lẽ chữ SI có bộ “nạch” ở trước. Bộ này trong Nam gọi là khuôn bịnh, có ý nghĩa không tốt đẹp. Vì lẽ đó chữ SI viết ra chữ TRI. (Lê Thọ Xuân, “Sự tích ông già Ba Tri”, Đồng Nai văn tập số 9 tháng 11,12 năm 1968, tr.33).
[3]. Thuyết người Miên: Đại đức Mékon, Hội Phật giáo nguyên thủy Vĩnh Bình, cho rằng: Danh từ Ba Tri là do Butterei của người Cao Miên (Khrme bây giờ). Butterei nghĩa là công chúa. Năm 1620 vua Chân Lạp Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Nguyễn) và được phong làm hoàng hậu. Năm 1621, hoàng hậu sanh một công chúa tên Néang Nhéa Ksathoy. Vua đặt tên vùng này là Butterei để kỷ niệm hai dòng máu Miên Việt.
Theo Fb: Địa chí Bến Tre