356 lượt xem

Tại sao gọi là Cái Nhum?

Từ tên gọi địa danh, Cái Nhum còn là tên rạch, tên chợ, tên cầu… ở nhiều địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

Về ý nghĩa của Cái Nhum, tên gọi này được hình thành từ cách gọi dân gian và từ tên gọi dân gian dần trở thành tên gọi hành chính, gồm có 2 thành tố: “Cái + Nhum”.

Cái là một từ thông dụng được dùng trong rất nhiều địa danh ở Nam Bộ, như: “Cái Bè, Cái Cam, Cái Chanh, Cái Côn, Cái Cối, Cái Cui, Cái Da, Cái Dầu, Cái Khế, Cái Nai, Cái Nước, Cái Tàu, Cái Vồn…”. Thành tố “cái” được hiểu như một đại từ chỉ “đơn vị”, kiểu “cái, con”.

Thành tố còn lại phải là thành tố có nghĩa “thực vật, đồ vật hoặc động vật”, nhưng nay, rất có thể nhiều từ đã mờ nghĩa, mất nghĩa mà ta chưa tìm ra được nghĩa ban đầu của nó.

Ngoại trừ trường hợp “Cái Bé, Cái Lớn” để chỉ 2 nhánh sông ở Kiên Giang, thì sông cái (phân biệt với sông con - sông phụ, có thể gọi là rạch) có 2 nhánh lớn và bé nên được gọi sông Cái Lớn và sông Cái Bé.

Như vậy, cái trong 2 trường hợp này lại có nghĩa là “mẹ”, như: “cột cái, đường cái, ngón cái, nhà cái, rễ cái, sông cái”.

Trong trường hợp địa danh Cái Nhum, thì thành tố thứ hai là “nhum” có ít nhất 2 nghĩa như sau:
1. Tên động vật, chỉ một loại sinh vật biển ăn được, hình tròn, màu đen, có gai xung quanh thân, gọi là “con nhum”;
2. Tên thực vật, chỉ một loài cây hoang dại thuộc họ cau, mọc thành bụi như “đủng đỉnh”, thân đen, có gai ở thân và bẹ lá, gọi là “cây nhum”.

Như vậy, địa danh Cái Nhum ở 2 địa phương Vĩnh Long và Bến Tre vốn có thể chỉ một vùng đất có nhiều cây nhum. Lâu ngày, tên gọi đặc điểm của 2 vùng đất này trở thành địa danh, bởi đây là một phương cách hình thành địa danh khá quen thuộc ở Nam Bộ, kiểu địa danh “Cái + X” như đã nêu.

Theo Thạch Thảo