980 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Bến Tre

Chợ Lách
Có nguồn gốc từ tên một cái chợ hình thành ở vùng có nhiều cây lao cây lách, trở thành một địa danh của một đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo vansudia.net
 
Giồng Trôm
Giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát: “trên đất giồng mình trồng khoai lang…”

Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở thành tên của một quận (huyện).
Theo ngotoc.vn
 

Đa Phước Hội
Hiện nay, Đa Phước Hội là một xã nằm ở trung tâm huyện Mỏ Cày Nam. Vào thế kỷ 19, ở Đất Nam kỳ, nhất là ở xứ cù lao cách trở như Bến Tre mà có đến 03 người trong một gia đình đỗ cử nhân là chuyện rất hiếm có. Đó cũng là lý do để các hương chức trong làng Đa Hòa xin đổi tên thành Đa Phước (nghĩa là có nhiều phước đức). Về sau khá lâu, làng này nhập với Hội Yên và Tân Phước, mang tên mới là Đa Phước Hội.

Ba người ở làng Đa Hòa đỗ cử nhân đó là:

Bùi Minh Thành đăng khoa tại trường thi Gia Định hạng 6/10 người thi đỗ năm 1831, được bổ làm Tri huyện Phước Tuy, rồi Đốc học Biên Hòa, cuối cùng là Tri huyện Long Thành.
Bùi Văn Phong đỗ hạng 02/11 người tại trường thi Gia Định năm 1837, được bổ làm Án sát Nam Định, về sau làm Quyền án sát thương biện Vĩnh Long.

Bùi Quang Nghi (có tài liệu ghi Bùi Quang Huy) đỗ hạng 03/16 người tại trường thi Gia Định năm 1842. Không ra làm quan. Là anh của Bùi Minh Thành và Bùi Văn Phong.

Tương truyền ở làng Đa Hòa (nay là Đa Phước Hội) có một giồng đất cao có cát màu vàng. Các gia đình ở đây sinh sống khá giả, con cháu học hành đỗ đạt có tên tuổi trong xã hội.
Theo Fb: Địa chí Bến Tre
 
Bang Tra
Bang Tra là chợ đầu mối ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, lập năm 1892.

Bang Tra là “ông bang trưởng tên Tra”, người giàu có bỏ tiền xây chợ. Có người cho rằng ông Huỳnh Trà, một bang trưởng người Hoa, có công lập chợ và phát triển việc làm ăn, buôn bán nên người địa phương ban đầu gọi là chợ Bang Trà, sau nói chệch. Thuyết này có thể đúng vì ở đây có hiện tượng đồng hóa thanh điệu.
Theo Fb: Địa chí Bến Tre
 

Hàm Luông
Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến Nhà Nguyễn, do "kỵ húy" để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen.


Tổng hợp: SGT Group.